Đại học Thành Đô

Home » Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Thành Đô

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Thành Đô

08/07/2018

Ngay từ  khi cam kết thành lập trường, Trường Đại học Thành Đô đã xác định công tác phát triển nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên và cán bộ, giảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường. Trên quan điểm phát triển toàn diện đào tạo gắn liền với hoạt động nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn, hoạt động NCKH của Cán bộ, giảng viên (CBGV) và sinh viên (SV) nhà trường luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ban Giám hiệu. Hàng năm, Trường tổ chức diễn đàn NCKH cho CB,GV đây là nơi trao đổi về chuyên môn, học thuật, xét duyệt và trao thưởng cho các đề tài nghiên cứu khoa học của CBGV,SV xuất sắc tại tất cả các khoa trong trường. Đồng thời, Trường cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nhà trường tham gia các đề tài, cuộc thi nghiên cứu khoa học ngoài trường. Nhờ đó, sinh viên Trường Đại học Thành Đô đã đạt được nhiều thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, tiêu biểu như công trình nghiên cứu chế tạo robocon của thầy và trò khoa CNKT Điện tử – Viễn thông; Công trình nghiên cứu sáng tạo kiểu xe moto tự chế của thầy và trò Khoa CNKT Ô tô với đội TDU2 đã giành Giải Nhất Khối các trường ĐH,CĐ cuộc thi “Lái xe sinh thái, tiết kiệm nhiên liệu năm 2012” do Honda Việt Nam tổ chức.

Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam trao giải Nhất cho đội TDU2

 Đồng thời đội TDU2 – Trường Đại học Thành Đô cũng là đại diện duy nhất Khối các trường ĐH, CĐ của Việt Nam sang Nhật Bản thi đấu tại sân chơi Quốc tế.

 Việc nâng cao năng lực NCKH đối với sinh viên sẽ góp phần quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo, mặt khác, đảm bảo cho sinh viên có thể hội nhập vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên toàn cầu hoá và số hoá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Để đáp ứng yêu cầu bức thiết đó, ngày 01/09/2017 Hiệu trưởng Nhà Trường đã ký ban hành Quy định “Hoạt động Khoa học Công nghệ Trường Đại học Thành Đô”. Văn bản này quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) đối với cán bộ (CB), giảng viên (GV), sinh viên (SV) trong Trường. Đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển hoạt động NCKH, dành nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đề tài NCKH trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, SV. Bên cạnh đó, Trường cũng đã thành lập các nhóm nghiên cứu để tham gia vào nhiều đề tài NCKH bên ngoài. Trường định kỳ tổ chức các hội nghị khoa học sinh viên, diễn đàn NCKH của CB GV; tổ chức các hội thi  nghiệp vụ sư phạm của các giảng viên trẻ.

Từ năm 2015 đến nay, Trường đã tổ chức một số hội thảo khoa học. Trong đó đáng chú ý là đề tài: “Văn hóa doanh nghiệp – Chìa khóa của thành công” do ThS. Phạm Tiến Đạt, giảng viên khoa Quản trị chủ trì, đồng tác giả là nhóm SV ĐHQTKD K5. Đề tài này đã được Hội đồng khoa học của trường khuyến khích phát triển thành đề tài nghiên cứu cấp trường.

Trong năm học 2017 – 2018, Nhà trường tổ chức Hội thảo Khoa với chủ đề “Công nghệ tế bào gốc ứng dụng cho y học tái tạo và chống lão hóa” do bác sĩ Phan Toàn Thắng diễn thuyết. Phó Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Phan Toàn Thắng hiện đang là giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, là người đầu tiên trên thế giới tìm ra công nghệ tách tế bào gốc từ cuống dây rốn. Ông có nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào gốc, có ứng dụng đi vào đời sống tại nhiều quốc gia, bao gồm cả ở Việt Nam.

Thông qua buổi hội thảo, cán bộ giảng viên và sinh viên Trường Đại học Thành Đô được biết thêm nhiều kiến thức về tế bào gốc và phát minh của bác sĩ Phan Toàn Thắng thông qua việc trao đổi trực tiếp với bác sĩ. Buổi hội thảo diễn ra thành công và mang lại nhiều ý nghĩa đối với thầy và trò Trường Đại học Thành Đô, đặc biệt là sinh viên ngành Dược của Nhà trường.

Các đề tài NCKH được Lãnh đạo nhà trường đánh giá cao và được nâng lên thành đề tài NCKH cấp trường. Hiện nay, đất nước đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng như đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Để thực hiện thành công sự nghiệp lớn lao này có một phần không nhỏ sự đóng góp của nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong tình hình mới đó, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi CBGV và SV nhà trường phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, sáng tạo. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học được Ban Giám hiệu nhà trường xác định là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với CBGV, SV và đã áp dụng nhiều biện pháp quan trọng để tăng cường hoạt động NCKH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo bắt kịp yêu cầu cuộc cách mạng 4.0.

Tin tức khác

0934 078 668