Đại học Thành Đô

Home » Vai trò của quản lý nhà nước trong việc xây dựng các Trung tâm Logistics khu vực Quảng Nam

Vai trò của quản lý nhà nước trong việc xây dựng các Trung tâm Logistics khu vực Quảng Nam

28/06/2018

28/06/2018
<!–59
19–>

Lời nói đầu

Logistics là một hoạt động tổng hợp mang tính dây chuyền, giúp tối ưu hóa chu trình lưu chuyển quá trình sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp từ khâu đầu vào nguyên vật liệu đến sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cuối cùng tới tay người tiêu dùng. Sự phát triển của dịch vụ logistics sẽ giúp cho các doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả trong việc vận hành sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ tại thị trường nội địa nói chung. Hiện nay, không phải tất cả sản phẩm đều được sản xuất toàn bộ tại một nhà máy, mà có thể được hình thành từ nhiều nhà máy khác nhau tại một quốc gia, hoặc thậm chí từ nhiều quốc gia khác nhau. Từ thực tế đó đòi hỏi khu vực Quảng Nam cũng cần có những chính sách và vai trò quản lý Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển trung tâm logistics tại địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Quản lý Nhà nước, xây dựng trung tâm logistics Quảng Nam

  1. Đặt vấn đề

Chính logistics đóng vai trò then chốt trong việc đưa sản phẩm đến đúng nơi cần đến, vào thời điểm thích hợp. Thực tế, sản phẩm, dịch vụ chỉ có thể làm thoả mãn nhu cầu khách hàng và có giá trị khi và chỉ khi nó đến được với khách hàng đúng thời gian và địa điểm. Vì vậy, trong những năm gần đây có sự gia tăng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trên cả nước. Đặc biệt ở các tỉnh có đường biển, cảng biển, hàng không, ga tàu lửa, hệ thống giao thông đường bộ đồng bộ như Quảng Nam. Do vậy, sau gần 1 năm thi công, dự án mở rộng Cảng Chu Lai  – Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) đã hoàn thành, góp phần nâng cao năng lực chuỗi dịch vụ logistics tại đây và thúc đẩy phát triển Cảng thành Trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Dự án mở rộng cảng Chu Lai do Công ty TNHH MTV Cảng Chu Lai – Trường Hải đầu tư xây dựng từ năm 2016, bao gồm các hạng mục: mở rộng cầu cảng về phía thượng lưu; mở rộng và nâng cấp hệ thống kho bãi; hoàn thiện kết cấu hạ tầng…với tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Nâng mức đầu tư xây dựng cảng Chu Lai từ năm 2010 đến nay lên gần 800 tỷ đồng. Đặc biệt, với 171m mở rộng thêm về phía thượng lưu, cầu cảng Chu Lai hiện có tổng chiều dài gần 500m, độ sâu trước bến là -9,5m cho phép Cảng này có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu có tải trọng 20.000 tấn. Bên cạnh đó, hệ thống kho bãi, xưởng được mở rộng từ 71.040m2 (năm 2016) lên 91.200m2 góp phần nâng cao năng lực đáp ứng cho Cảng. Được biết, Cảng Chu Lai được chia làm 3 phân khu chức năng riêng biệt cho các loại hàng khác nhau, bao gồm: hàng container; hàng rời tổng hợp và hàng lỏng. Cùng với đó là thiết bị xếp dỡ chuyên dụng đã nâng năng lực đáp ứng của Cảng Chu Lai gần như toàn bộ nhu cầu vận tải đường thủy của các hãng tàu và doanh nghiệp trong khu vực khi đến cảng xếp dỡ, giao nhận hàng hóa. 

Theo số liệu thống kê của Cảng Chu Lai, trong 6 tháng đầu năm 2017, cảng Chu Lai đã tiếp nhận 150 lượt tàu cập cảng; thực hiện gần 200 lượt dịch vụ lai dắt tàu biển; xếp dỡ 23.000 lượt TEU container và 140.000 tấn hàng rời, tương đương 600.000 tấn hàng qua cảng. Trong đó, hàng container tăng 10% so với năm 2016.

Trong tổng sản lượng hàng hóa qua cảng, hiện có 15% là hàng của hơn 50 doanh nghiệp bên ngoài, ngành hàng chủ yếu là lương thực, hàng nông sản, hạt nhựa, lốp xe, sơn, hóa chất, bình điện, hàng tiêu dùng…  Để phát triển Cảng Chu Lai thành Trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong giai đoạn 2018 – 2020, Cảng Chu Lai đã đề xuất tỉnh Quảng Nam hỗ trợ nạo vét tuyến luồng đến độ sâu -10,7m để có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 tấn vào năm 2019. Và tiếp tục nạo vét đến độ sâu -12m để đón tàu có trọng tải 40.000 tấn sau năm 2020.

Hiệu quả của logistics đóng vai trò quyết định đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại ở mỗi quốc gia. Trong xu thế toàn cầu mạnh mẽ như hiện nay, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng trở nên gay gắt, khốc liệt. Điều này đã làm cho dịch vụ logistics trở thành một trong các lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Do đó, quốc gia nào kết nối tốt với mạng lưới dịch vụ logistics toàn cầu thì có thể tiếp cận được nhiều thị trường và người tiêu dùng từ các nước trên thế giới. Ngoài ra, phát triển dịch vụ logistics sẽ đem lại nguồn lợi khổng lồ cho nền kinh tế. Theo thống kê của Viện nghiên cứu logistics của Mỹ, ngành dịch vụ logistics đóng góp khoảng 8% – 12% GDP đối với những nước phát triển như Mỹ và Nhật, tại Trung Quốc là 19%, còn ở những nước kém phát triển thì tỷ lệ này có thể cao hơn 30%.

  1. Vai trò của quản lý Nhà nước trong việc xây dựng các trung tâm logistics

Logistics là một hệ thống giải pháp công nghệ và tổ chức quản lý đảm bảo tối ưu hóa chu trình lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ từ khâu cung ứng đầu vào, sản xuất đến tiêu dùng. Tính tối ưu của chu trình lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ đã khẳng định vai trò quan trọng của logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ tại nhiều quốc gia phát triển trên toàn cầu. Nói cách khác, hệ thống dịch vụ logistics càng hiệu quả sẽ góp phần tiết kiệm chi phí xã hội, tăng khả năng cạnh tranh và đem lại nguồn lợi to lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của dịch vụ logistics đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa mọi thành phần tham gia trong toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (GTVT), kho bãi, công nghệ thông tin (CNTT) và các hạ tầng kỹ thuật khác là những yếu tố nền tảng, phương pháp tổ chức quản lý khai thác công nghệ đảm bảo kết nối hoạt động và gia tăng hiệu quả cho dịch vụ logistics. Do đó, cần phải bắt đầu từ hoạch định chiến lược phát triển hợp lý để đảm bảo tính đồng bộ, phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả hệ thống dịch vụ logistics đối với mỗi vùng lãnh thổ, quốc gia và trên toàn cầu.

Nhận thức được tầm quan trọng của logistics đối với Việt Nam trong giai đoạn mới, Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 22/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tiếp đó Thủ tướng lại ban hành – Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; và Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (thay thế quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009); Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tiếp đó Thủ tướng ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Căn cứ vào Quyết định của Thủ tường, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 1841/QĐ-BGTVT ngày 26/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ;

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Quy hoạch này là “phát triển mạng lưới trung tâm logistics bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu cảu sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam… Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 24%-25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP toàn nền kinh tế là 10%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 40%, giảm thiểu chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 20%. Đến năm 2030, các chỉ tiêu này lần lượt là 34% – 35%/năm, 15%. 65%/năm và 15% – 17%/năm”.

Năm 2014, Việt Nam đã chính thức mở cửa cho các doanh nghiệp, tập đoàn logistics nước ngoài đầu tư 100% vốn vào Việt Nam, được hưởng các chính sách ưu đãi như các doanh nghiệp trong nước. Thực tế hiện nay, các tổ chức kinh doanh dịch vụ logistics nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường này ở Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của nước ta còn ở dạng bán chuyên nghiệp, chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thực tế. Theo đánh giá chung, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào đủ tiềm lực vật chất và kĩ năng quản lí, tổ chức, điều hành toàn bộ chuỗi logistics, dù trong phạm vi hẹp là phục vụ chuỗi lưu thông hàng hóa. Cũng theo nghĩa đó, Việt Nam chưa có các trung tâm logistics thực thụ, cung cấp đồng bộ và trọn gói các dịch vụ hậu cần cho mạng lưới phân phối hàng hóa trên thị trường cả nước. Hạ tầng cho logistics nói chung còn nghèo nàn, qui mô nhỏ, và bố trí chưa hợp lí.

Hiện nay ở nước ta, dịch vụ logistics đang phát triển tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Nam, còn tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên vẫn còn quá thiếu so với nhu cầu phát triển kinh tế. Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi có vị trí chiến lược về kinh tế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, với vị thế nằm ở cửa ngõ ra vào biển Đông của hành lang kinh tế Đông – Tây, kết nối giữa khu vực miền Trung – Tây Nguyên của Việt Nam với Lào, Campuchia, vùng đông bắc Thái Lan, Myanmar… Do đó, chiến lược phát triển kinh tế biển, trong đó có dịch vụ cảng biển và đặc biệt là dịch vụ logistics sẽ được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế của cả 3 tỉnh thành này. Nhận biết được tầm quan trọng chiến lược của mình, Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã có những bước chuẩn bị khá chắc chắn cho việc phát triển ngành dịch vụ logistics tại địa bàn tỉnh, thành phố. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Quyết định số 907/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ Logistics tỉnh đến năm 2025. Tại Đà Nẵng, Sở Giao thông vận tải xây dựng đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Cùng với Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định, tỉnh Quảng Nam có vị trí chiến lược quan trọng của vùng kinh tế Trung Bộ với lợi thế về kinh tế biển, du lịch và phát triển công nghiệp. Với diện tích 10.438 km2, dân số 1,5 triệu người, điều kiện tự nhiên và lịch sử, tỉnh Quảng Nam có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý kết nối giữa các tỉnh thành phố vùng duyên hải để phát triển kinh tế xã hội và thương mại quốc tế. Về phát triển công nghiệp, Khu kinh tế mở Chu Lai và khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc là một trong những khu công nghiệp phát triển và hiệu quả nhất miền Trung Việt Nam. Cùng với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Nam đã có bước đột phá mạnh mẽ, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện đáp ứng nhu cầu đầu tư liên tục tăng trong những năm vừa qua. Cùng với việc mở rộng Khu kinh tế mở Chu Lai, nhiều khu công nghiệp khác đã được đưa vào kế hoạch hành động về đầu tư trong giai đoạn 2018 -2025 (7 khu công nghiệp, tổng diện tích 4295 ha). Về  du lịch, điều kiện tự nhiên thuận lợi với hơn 125 km bờ biển, sông Cổ Cò và sự phát triển khu du lịch Hội An, khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc đã tạo nên lợi thế rất lớn cho đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Quảng Nam. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam đã khẳng định ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng rút ngắn khoảng cách về đầu tư phát triển công nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường thương mại, du lịch và dịch vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh đến 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng và đổi mới chính sách quản lý trong lĩnh vực logistics được coi là giải pháp căn cơ đảm bảo phát triển đồng bộ giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm kết nối hiệu quả, tận dụng tối đa các nguồn lực, làm cơ sở cho quá trình phát triển bền vững hệ thống kinh tế – xã hội của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên. Đây là nhiệm vụ rất phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu theo cách tiếp cận hệ thống, tích hợp quy hoạch đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo tính liên thông giữa các tỉnh, vùng kinh tế trong nước và kết nối với kinh tế quốc tế.  

  1. Kết luận

Có thể thấy Nhà nước đã thể hiện rõ vai trò của quản lý Nhà nước bằng các văn bản từ cấp trung ương cụ thể là Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, cùng với đó là các địa phương trong đó có Quảng Nam. Tuy nhiên vai trò đó mới chỉ thể hiện trên những đạo luật. Do đó, khi quy hoạch, xây dựng và phát triển các trung tâm logistics ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng là một vấn đề hết sức phức tạp, đòi hỏi các cấp các ngành và địa phương phải huy động các nguồn lực để xây dựng các trung tâm về logistics, từ đó cải thiện được các lợi thế trong hoạt động giao nhận hàng hóa và giảm được giá thành sản phẩm qua đó tạo ra một lợi thế về năng lực cạnh tranh cho các hoạt động lưu thông hàng hóa của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

  1. Ngô Tuấn Hưng, Xây dựng trung tâm logistics tại Thành phố Đà Nẵng một số vấn đề đặt ra, Tạp chí Kinh tế xã hội Đà Nẵng.
  2. Nguyễn Quốc Luật, Nguyễn Thị Bích Ngọc; Logistics một dịch vụ cần được đẩy mạnh ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu và trao đổi.
  3. Bộ Công Thương; Báo cáo logistics Việt Nam năm 2017.
  4. Báo cáo tổng hợp; Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030.

Tin tức khác

0934 078 668