Đại học Thành Đô

Home » ĐỊNH HƯỚNG “GIÁO DỤC MỞ”  “KHOA HỌC MỞ” TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÀNH ĐÔ

ĐỊNH HƯỚNG “GIÁO DỤC MỞ”  “KHOA HỌC MỞ” TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÀNH ĐÔ

12/07/2024

Với sự hỗ trợ từ Internet và các phần mềm mã nguồn mở, việc chia sẻ tài nguyên thông tin và trao đổi tri thức đã trở nên tiện lợi hơn rất nhiều và đang dần trở thành một xu thế tất yếu trong một nền giáo dục hiện đại. Việc tận dụng được các công cụ giáo dục mở, khoa học mở sẽ giúp các học giả và giảng viên củng cố việc dạy, học và nghiên cứu của mình, đồng thời người học có điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn tri thức sâu rộng, cập nhật. Việc hiểu biết sâu sắc về “giáo dục mở” và “khoa học mở” cũng giúp tránh sai lầm đáng tiếc trong thực hành hoạt động giáo dục và khoa học.

Xuất phát từ những nghiên cứu chuyên sâu và nhận thấy xu hướng tất yếu về khoa học mở và giáo dục mở đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ tại các nền giáo dục phát triển trên thế giới và ngành càng len lỏi vào trong giáo dục tại Việt Nam, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô ý thức ngay từ sớm về yếu tố “mở” trong học thuật, khoa học, giáo dục và trực tiếp ứng dụng trong xây dựng định hướng phát triển của nhà trường trên nhiều khía cạnh.

PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo – Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô theo đuổi mục tiêu phát triển khoa học mở – giáo dục mở

Trong định hướng Nghiên cứu khoa học

Tại Trường Đại học Thành Đô, các Hội thảo khoa học chuyên môn được tổ chức thường niên, đều đặn là những không gian học thuật mở cho các nhà nghiên cứu – giảng viên trình bày các nghiên cứu và trao đổi tri thức, hiểu biết đóng góp vào kho tàng học thuật và hỗ trợ trực tiếp trở lại chương trình đào tạo trong nhà trường. Các bài viết, sách xuất bản từ những nhà nghiên cứu cũng thể hiện rõ định hướng mục tiêu ứng dụng và phát triển khoa học giáo dục mở trong Nhà trường.

Cuốn sách Giáo dục và Khoa học mở: Cẩm nang dành cho giảng viên và nhà nghiên cứu, được biên soạn bởi một nhóm gồm bốn tác giả dày dặn kinh nghiệm: PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo – Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô, TS. Phạm Hùng Hiệp, ThS Nguyễn Linh Chi và Vũ Nguyễn Quang Duy, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức đã đưa ra những hướng dẫn cho giảng viên và nhà nghiên cứu ở Việt Nam về một trong số những xu hướng nổi bật nhất, và đồng thời cũng mang nhiều tranh cãi, của giới hàn lâm thập kỷ qua: cách thực hành khoa học mở và giáo dục mở.

Khoa hoc mo anh 1

Nội dung của cuốn sách giúp người đọc nhận thức rõ hơn về tài nguyên mở, giáo dục mở, sư phạm mở, và những lợi ích cũng như thách thức của các khía cạnh đó. Cuốn sách cũng đồng thời giới thiệu về các công cụ, các nguồn truy cập tin cậy và cách thức khai thác hiệu quả, đúng cách với các nguồn tài liệu đó.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một quyển sách dạng cẩm nang đã giải thích về những thực hành mở, bằng cách nào và ở đâu mà nhà nghiên cứu hay giảng viên ở Việt Nam có thể truy cập và sử dụng các tài nguyên mở để trợ giúp công việc của mình.

Cho những ai chưa quen thuộc với giáo dục mở, quyển sách giới thiệu chi tiết về các cách tìm kiếm những nguồn tài nguyên giáo dục mở, bên cạnh đó là những khuyến nghị về hàng loạt thư viện sách giáo khoa mở cho phép người truy cập được thoải mái sử dụng và vận dụng những nguồn đó, cũng như cung cấp một danh sách các khóa học trực tuyến mở (MOOCs).

Trong định hướng xây dựng Tạp chí nghiên cứu Khoa học và Phát triển

Tạp chí Nghiên cứu Khoa học và Phát triển (Journal of Scientific Research and Development) là cơ quan báo chí thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học, công nghệ của Trường Đại học Thành Đô. Hiện nay, Tạp chí với 8 số được xuất bản đã tham gia và được công nhận tính điểm tại 4 hội đồng ngành và liên ngành, tính điểm cho các bài báo khoa học ở 8 chuyên ngành khoa học cơ bản là: Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học/nhân học, Giáo dục học, Kinh tế, Triết học, Chính trị học và Xã hội học.

Website chính thức của Tạp chí Nghiên cứu Khoa học và Phát triển – Xác định số hoá Tạp chí ngay từ những bài viết đầu tiên, nỗ lực quan trọng hướng đến xây dựng tạp chí khoa học mở

Ngay từ số đầu tiên, Tạp chí đã thực hiện số hóa, chuyển đổi số một cách mạnh mẽ các hoạt động của mình. Đến nay, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học và Phát triển đã đạt được những tiêu chí như: Có hệ thống online để quản lý và phản biện peer-reviews các bài viết theo chuẩn quốc tế: Sử dụng phần mềm Open Journal Systems tại địa chỉ https://jsrd.thanhdo.edu.vn; tất cả các bài báo gửi đến Tạp chí đều được phản biện kín 2 chiều bởi các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước; các bài báo đều có mã định danh DOI theo chuẩn quốc tế, đã được chỉ mục hóa trong danh mục Metadata CrossRef (http://www.crossref.org) với DOI Prefix 10.58902.

Ngay từ khi được thành lập, tạp chí được định hướng phát triển thành tạp chí khoa học, đa ngành đa lĩnh vực, bám sát ngành đào tạo trong nhà trường với mục đích không chỉ dừng lại ở nghiên cứu khoa học và đào tạo của cơ quan chủ quản mà hướng tới phục vụ cộng đồng, truyền tải những nghiên cứu khoa học, tri thức học thuật cập nhật tiên tiến trên thế giới và trong nước đến với đông đảo độc giả.

Tạp chí Nghiên cứu Khoa học và Phát triển là diễn đàn trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nước và quốc tế.

Trong định hướng xây dựng và phát triển Trường ĐH Thành Đô tương lai

Thời đại của kỷ nguyên số, giáo dục mở được gắn với văn hóa phát triển trong bối cảnh tự chủ giáo dục, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Việc học tập, lĩnh hội tri thức mở rộng cho mọi đối tượng học; không giới hạn về thời gian học, không gian học; không hạn chế nguồn tài liệu học.

Trường Đại học Thành Đô  đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại và đưa vào khai thác “Thư viện Khoa học – giáo dục mở”, với hơn 300 đầu sách giáo trình mở về ngôn ngữ, khoa học xã hội, kinh doanh-kinh tế, người đọc có thể tải xuống hoặc đọc trực tuyến miễn phí. “Dự án này có mục tiêu phát triển nền tảng số cho tài nguyên giáo dục mở cho phép các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên của các trường đại học trên toàn quốc và công chúng được chia sẻ, sử dụng chung nguồn tài liệu một cách hợp pháp, không bị giới hạn về thời gian và không gian. Đây là nỗ lực của Trường Đại học Thành Đô trong xây dựng tài nguyên giáo dục mở và chuyển đổi số giáo dục, góp phần thúc đẩy nhu cầu học tập suốt đời của người dân”, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô nhấn mạnh.

Khoa học mở, giáo dục mở là xu hướng tất yếu của thời đại, không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của nó. Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng không có cách tiếp cận “một cho tất cả” nào cho việc vận dụng các thực hành học thuật mới. Trên cơ sở nội dung quyển sách, giảng viên và nhà nghiên cứu cần luôn tâm niệm rằng để tiến lên phía trước luôn cần rộng mở với những thước đo mới, luôn cập nhật và tự giáo dục, và quan trọng nhất là việc tìm kiếm những cách để chia sẻ những kiến thức, ý tưởng, và kết quả nghiên cứu của chúng ta với thái độ minh bạch, hiệu quả với cộng đồng.

Trường Đại học Thành Đô

Địa chỉ:

    • Km15, Quốc lộ 32, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.
    • Số 8, Kiều Mai, Phú Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 0934 07 8668 – 0243 386 1601

Website: https://thanhdo.edu.vn/ 

Fanpage: https://www.facebook.com/truongdaihocthanhdo

Tin tức khác

0934 078 668