Đại học Thành Đô

Home » CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM LỪA ĐẢO: BÀI HỌC THỜI ĐẠI SỐ ĐƯỢC TRANG BỊ CHO THADOER

CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM LỪA ĐẢO: BÀI HỌC THỜI ĐẠI SỐ ĐƯỢC TRANG BỊ CHO THADOER

22/05/2025

Trường Đại học Thành Đô tổ chức các lớp học chính trị cuối khoá nhằm rang bị cho sinh viên cái nhìn toàn diện, cập nhật về tình hình chính trị, xã hội hiện nay, trong đó tập trung vào nội dung “nhận diện, phòng tránh, ứng phó kịp thời dấu hiệu lừa đảo”. Các buổi học diễn ra vào các ngành 9/5, 21/5 và 26/5.

Trong bối cảnh các hình thức lừa đảo công nghệ cao ngày càng tinh vi, diễn biến khó đoán, đặc biệt nhắm tới đối tượng người trẻ, Trường Đại học Thành Đô đã tổ chức lớp học chính trị chuyên đề: “Nhận diện phòng, tránh ứng phó kịp thời dấu hiệu lừa đảo” dành cho toàn thể sinh viên. Chương trình do TS. Trần Thế Hưởng – Phó Trưởng khoa Kinh tế – Luật trực tiếp giảng dạy mang đến nhiều kiến thức pháp lý, kỹ năng thực tiễn và các cảnh báo sát với thực tế sinh viên hiện nay.

TS. Trần Thế Hưởng, Phó trưởng khoa Kinh tế – Luật, hiện trực tiếp giảng dạy và phụ trách chuyên ngành Luật tại Trường Đại học Thành Đô

Tội phạm lừa đảo không còn là chuyện xa lạ – ai cũng có thể là nạn nhân

TS. Trần Thế Hưởng mở đầu phần trình bày của mình thông qua phân tích dẫn chứng từ những câu chuyện thực tiễn về tội phạm lừa đảo hiện nay, những câu chuyện mà chính các sinh viên hay người thân, bạn bè và những người xung quanh đã có thể từng là đối tượng hay nạn nhân bị lừa đảo.

Lấy dẫn chứng về công cuộc triệt phá đường dây lừa đảo hoạt động ở Campuchia, vụ việc đang đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận, với hơn 13.000 bị hại và số tiền chiếm đoạt gần 1.000 tỉ đồng, TS. Trần Thế Hưởng đã liên hệ, mở rộng đến nhiều khía cạnh về vấn đề tội phạm lừa đảo công nghệ cao hiện nay. 

Với những thông tin cập nhật, xác thực, những chia sẻ tại buổi học cùng hữu ích, giúp sinh viên tỉnh táo đưa ra nhận định và xem xét kỹ lưỡng các tình huống, tránh trở thành nạn nhân hay gián tiếp tiếp tay cho tội phạm lừa đảo. Thầy khẳng định: “Lừa đảo dưới bất kỳ hình thức, thủ đoạn nào cũng là hành vi phạm pháp. Và nếu không hiểu đúng, sinh viên có thể vô tình tiếp tay, hoặc trở thành nạn nhân từ các vụ lừa đảo”

Chiêu trò tinh vi dưới lớp vỏ công nghệ – đánh trúng tâm lý người trẻ

Thông qua các ví dụ trực quan, các dữ liệu chính xác và sự phân tích mạch lạc, Thầy chỉ ra các thủ đoạn lừa đảo đang nhắm đến sinh viên, có thể kể đến như:

  • Giả danh cán bộ công an, giáo viên, bác sĩ đưa thông tin sai lệch về học sinh, sinh viên, người thân  bị tai nạn, yêu cầu chuyển tiền viện phí gấp.
  • Deepfake – AI giả giọng nói, hình ảnh: gây nhầm tưởng là người thân hoặc lãnh đạo tổ chức, cơ quan, nhà trường.
  • Hack tài khoản mạng xã hội để mượn tiền bạn bè.
  • Dụ dỗ đầu tư tiền ảo, chứng khoán quốc tế, việc làm nhẹ lương cao.

Thầy nhấn mạnh: “Sinh viên ngày nay có thể rất nhanh nhạy với công nghệ, nhưng nếu thiếu hiểu biết pháp luật và tâm lý không đủ vững vàng thì vẫn dễ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trên mạng” “Kẻ gian thường đánh vào cảm xúc như sợ hãi, lo lắng, gấp gáp – đừng để bản thân đưa ra quyết định khi chưa xác minh thông tin.”

Không khí buổi học trở nên sôi nổi khi nhiều sinh viên chủ động nêu tình huống từng gặp phải như: bị nhắn tin trúng thưởng, tuyển dụng việc nhẹ lương cao, hay nhận link clip “ngoại tình” kèm mã độc… Qua đó, thầy cũng phân tích các biểu hiện cụ thể giúp nhận diện thủ đoạn lừa đảo và đưa ra những hướng dẫn trong xử lý tình huống khẩn cấp, giữ bình tĩnh khi gặp sự việc bất thường, và báo cáo với cơ quan chức năng.

Thadoer nâng cao hiểu biết, ý thức, trách nhiệm trong Nhận diện phòng, tránh ứng phó kịp thời dấu hiệu lừa đảo

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động cảnh giác – đẩy lùi tội phạm công nghệ cao

Chương trình học hướng đến hình thành thái độ chủ động, tích cực của sinh viên trong việc cập nhật kiến thức, nhận diện các thủ đoạn lừa đảo phổ biến; hình thành thái độ cảnh giác, chủ động tự bảo vệ bản thân trong môi trường số và đời sống xã hội; đồng thời biết chia sẻ, cảnh báo bạn bè, người thân trong những tình huống nguy hiểm.

Sinh viên cần luôn nâng cao cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn giả danh cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hay mã OTP qua mạng xã hội, website lạ hoặc ứng dụng không rõ nguồn gốc. Cẩn trọng trước các thông báo nhận thưởng, yêu cầu chuyển tiền, hay đường link trong tin nhắn, email không xác thực. Chỉ giao dịch qua các ứng dụng, website chính thức và xác minh kỹ khi nhận đề nghị chuyển tiền từ bạn bè, người thân qua mạng. Không cài đặt phần mềm lạ và tuyệt đối không mở hộ, cho thuê hay bán tài khoản ngân hàng cho người khác.

Trường đại học Thành Đô chú trọng cập nhật chương trình đào tạo, thay đổi điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội trước những biến động không ngừng. Những bài học mang nội dung thiết thực, bám sát thực tiễn không chỉ giúp sinh viên tăng cường thêm kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh rủi ro và tiếp cận thông tin một cách có chọn lọc, đúng pháp luật, mà qua đó còn góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, văn minh; tăng cường vai trò của giáo dục chính trị – tư tưởng trong cộng đồng Thadoer và nâng cao trách nhiệm xã hội từ ý thức mỗi cá nhân.

Buổi học là lời cảnh báo thiết thực, giúp sinh viên không chỉ hiểu pháp luật, mà còn nhận diện nguy cơ, giữ tỉnh táo trước các thủ đoạn tinh vi, và tự tin chia sẻ kiến thức này đến cộng đồng xung quanh. Nhà trường tin rằng, giáo dục pháp luật không nằm trên giấy – mà phải nằm trong ứng xử hằng ngày của mỗi sinh viên, đặc biệt là trong môi trường số đầy rủi ro như hiện nay.

Trường Đại học Thành Đô

Địa chỉ:

    • Văn phòng Tuyển sinh số 1: Km15, Quốc lộ 32, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội
    • Văn phòng Tuyển sinh số 2: Số 8, Kiều Mai, Phú Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline : 0934 07 8668 – 0243 386 1601

Website: https://thanhdo.edu.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/truongdaihocthanhdo

Tin tức khác

0934 078 668