Đại học Thành Đô

Home » Tin tức » Thành tựu nghiên cứu 30 năm qua của Khoa học Giáo dục Việt Nam giai đoạn 1991 – 2019

Thành tựu nghiên cứu 30 năm qua của Khoa học Giáo dục Việt Nam giai đoạn 1991 – 2019

13/08/2021

13/08/2021
<!–59
19–>

       Tối ngày 12/8/2021, Trường Đại học Thành Đô đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia tổ chức Hội Thảo Khoa học “Báo cáo nghiên cứu Khoa học Giáo dục Việt Nam giai đoạn 1991-2019”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom.

       Tham dự Hội thảo, đại diện Trường Đại học Thành Đô có TS. Phan Thị Thanh Thảo – Hiệu trưởng Nhà trường; GS. TS. Lê Anh Vinh –  Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; TS Phạm Hùng Hiệp Trưởng nhóm nghiên cứu Reduvation; Ths Hoàng Anh Đức – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục EdLab Asia;  cùng với hơn 180 nhà khoa học, chuyên gia đến từ các Trường đại học, Viện nghiên cứu trong cả nước.

       Nội dung chính của hội thảo xoay quanh việc công bố, trao đổi và chia sẻ kết quả báo cáo về nghiên cứu khoa học giáo dục của các nhà nghiên cứu Việt Nam trong giai đoạn 1991-2019. Tại buổi Hội thảo thay mặt nhóm nghiên cứu TS Phạm Hùng Hiệp và Ths Lương Đình Hải đã trình bày tóm tắt nội dung báo cáo nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn 1991 – 2019 phân tích từ cơ sở dữ liệu scopus.

       Theo kết quả báo cáo trong giai đoạn 1991 – 2019, đã có 223 công trình nghiên cứu khoa học giáo dục từ các tác giả Việt Nam được công bố. Dựa theo số lượng công bố hàng năm, bốn giai đoạn được xác định: Giai đoạn sơ khởi từ 1991 đến 2006; Giai đoạn định hình từ 2007 đến 2011; Giai đoạn phát triển từ 2012 đến 2016, và  Giai đoạn tăng tốc từ 2017 đến 2019.

        Trong số 223 công trình đã được công bố, số bài được đăng ở dạng bài báo trên các tạp chí khoa học là 178, chiếm gần 80% tổng số… Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị nghiên cứu có năng suất lớn nhất trong cộng đồng nghiên cứu khoa học giáo dục của người Việt Nam… Phần lớn các công trình nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp định tính (112 tài liệu, tỷ lệ 50.22%). Các chủ đề được quan tâm nhiều nhất là các vấn đề dạy và học ở cấp giáo dục đại học (54 tài liệu, tỷ lệ 24.22%), tiếp theo là các vấn đề quản lý, lãnh đạo và chính sách ở cấp giáo dục đại học (34 tàiliệu, tỷ lệ 15.25%), các hoạt động nghiên cứu, các chủ đề dạy và học về học tập suốt đời (33 tài liệu, tỷ lệ 14.80%)….

        Trong phần thứ hai của hội thảo trực tuyến, GS. TS. Lê Anh Vinh –  Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam với tư cách là Ban chuyên môn của Hội thảo đã đánh giá cao chất lượng của Báo cáo và ghi nhận những đóng góp tích cực của nhóm nghiên cứu trong việc xây dựng kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục của các nhà nghiên cứu Việt Nam giai đoạn 1991 – 2019. Đồng thời, GS. TS. Lê Anh Vinh đã đưa ra một vài ý kiến đóng góp để nhóm nghiên cứu xây dựng hoàn thiện báo cáo.

Dù khó khăn do dịch Covid-19, Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến song đã nhận được sự tương tác cao của  các chuyên gia, nhà khoa học. Các bên tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về xu hướng nghiên cứu, các nguồn công bố nghiên cứu khoa học giáo dục của Việt Nam….

        Hội thảo khoa học “Báo cáo nghiên cứu Khoa học Giáo dục Việt Nam giai đoạn 1991-2019” đã chính thức khép lại và đạt được những mục tiêu đề ra. Hy vọng rằng thông qua hoạt động bổ ích này, các cán bộ khoa học trẻ , nhà làm chính sách, nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu giáo dục sẽ tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và có thêm một tài liệu hữu ích trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Tin tức khác

0934 078 668