Đại học Thành Đô

Home » Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học đối với sinh viên

Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học đối với sinh viên

09/07/2018

09/07/2018
<!–59
19–>

            Bạn đang là sinh viên Trường Đại học Thành Đô. Bạn rất đam mê nghiên cứu khoa học  (NCKH). Bạn muốn làm một đề tài NCKH nhưng bạn chưa biết bắt đầu từ đâu. Bài viết này sẽ giúp bạn hình dung cách thức làm một đề tài NCKH mà bạn thích.
Nói chung, không có những quy tắc tuyệt đối trong phương pháp nghiên cứu và trình bày kết quả nghiên cứu khoa học. Các quy tắc này có thể thay đổi tuỳ chuyên ngành, tuỳ cấp độ nghiên cứu cũng như tuỳ người hướng dẫn hoặc chịu trách nhiệm khoa học của đề tài. Mỗi nhà khoa học lại chịu những áp lực hành chính, quy định chuyên môn và thói quen nghiên cứu trong đơn vị và chuyên ngành của mình.

1. Nghiên cứu khoa học là gì ?
Nghiên cứu khoa học (trong sinh viên) là những nghiên cứu, tìm tòi nhằm phát hiện ra những cái mới, giải quyết những vấn đề mà thực tiễn và lý luận đặt ra.
            Ví dụ: Qua quá trình thực tập tốt nghiệp, thực tập môn……bạn tìm hiểu thực tế sản xuất giữa lý thuyết, bạn sẽ chọn lấy đề tài trong nhà máy làm đề tài nghiên cứu…….đó chính là NCKH. NCKH là một công việc phức tạp, đòi hỏi bạn phải có tư duy và chịu khó.

Sinh viên Trường Đại Học Thành Đô tham gia NCKH           

2. Nghiên cứu khoa học, được và mất gì?
Đối với các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới thì NCKH là một hoạt động của sinh viên và giảng viên trong các Trường Đại học. Nhưng  ở  Việt Nam, NCKH còn khá xa lạ với đa số sinh viên. Tuy nhiên, có thể nói NCKH vừa là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của sinh viên.
Nghiên cứu khoa học  mang lại cho bạn rất nhiều thứ như: Chủ động hơn trong học tập, những phương pháp học tập và tư duy mới sẽ hình thành. Cách thức phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề, bạn sẽ giỏi hơn trong giao tiếp, trong cách làm việc nhóm…….bạn sẽ có đựơc niềm vui từ sự thành công, sự tôn trọng, yêu quý từ mọi người xung quanh bạn. Đặc biệt đây là giai đoạn tiền đề tạo điều kiện cho bạn làm tốt luận văn tốt nghiệp sau này. Hơn nữa, bạn sẽ có những khoản tiền thưởng, bạn còn đựơc cộng điểm, và được các nhà tuyển dụng ưu tiên trong quá trình phỏng vấn.
Tuy nhiên, để thành công trong NCKH bạn cũng phải mất đi nhiều thứ. Thời gian để tìm tòi, đọc tài liệu, đi thực tế, khảo sát, viết báo cáo…. Công sức là rất lớn, bạn sẽ phải nỗ lực tư duy trong một thời gian dài..

            3. Các bước để thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học
Nếu thực sự bạn có niềm đam mê NCKH, bạn đừng ngần ngại mà hãy bắt tay ngay để thực hiện một công trình khoa học về bất cứ một vấn đề nào đó mà bạn thích. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu thì hãy tham khảo theo các bước sau đây:
            a.Tìm ý tưởng
Bạn có thể tìm ý tưởng từ việc tự học, thực tế, hướng dẫn của giảng viên hay việc đọc sách, báo, Internet, nghe đài.. hoặc qua quan sát thực tế. Khi bạn phát hiện ra vấn đề, hãy chọn cho mình một hướng nghiên cứu phù hợp.Và đưa ý tưởng này hỏi ý kiến các thầy cô hướng dẫn để được định hướng đúng nhất.

            b.Xác định hướng nghiên cứu
Khi bạn đã tìm ra ý tưởng hãy tìm đọc nhiều tài liệu về vấn đề đó. Chẳng hạn như về “Đánh giá phát triển bền vững làng nghề” bạn hãy tìm đọc tất cả các loại sách báo viết về chủ đề này.Đặc biệt là sự tư vấn của các nhà khoa học, các thầy cô hướng dẫn trực tiếp bạn NCKH. Ngoài ra bạn có thể sử dụng thêm công cụ  www.google.com.vn để tìm kiếm và tham khảo.

            c. Người hướng dẫn khoa học
Có hai khả năng kết hợp: Chọn người hướng dẫn trước, chọn đề tài sau; hoặc ngược lại, chọn đề tài trước rồi mới tìm người hướng dẫn phù hợp. Nhưng thông thường, nhất là ở Việt Nam hiện nay, một đề tài nghiên cứu làm khoá luận/luận văn/luận án thường được xác định sau khi đã có người hướng dẫn khoa học.

            Lựa chọn người hướng dẫn như thế nào?
Nói chung trong nghiên cứu khoa học, không có người thầy lí tưởng cho mọi sinh viên, vì mỗi người đều có tính cách, sở thích, phương pháp làm việc riêng biệt. Điều bạn cần làm là tìm được người thầy phù hợp, sẵn sàng hướng dẫn mình đi suốt con đường học làm nghiên cứu khoa học.

            Cách tốt nhất là trước khi tiếp xúc với người bạn định lựa chọn, hãy tìm hiểu kĩ về tiểu sử khoa học của họ cũng như những đặc điểm cá tính, phương pháp làm việc, quan điểm khoa học, kinh nghiệm chuyên môn, chủ đề nghiên cứu …v.v. Đồng thời, cần trang bị cho mình những ý tưởng cơ bản về một đề tài nghiên cứu mà mình quan tâm (qua nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thực tế …..)

            Khi đã chuẩn bị sẵn sàng, hãy xin hẹn gặp để trình bày nguyện vọng. Ấn tượng bạn tạo ra trong buổi gặp mặt có thể là một yếu tố quan trọng trong quyết định của người thầy.Có thể bạn được nhận hướng dẫn ngay. Cũng có thể bạn sẽ nhận được một lời khuyên  nên làm việc với một người thầy khác, và cũng chính bạn là người quyết định, sau khi cân nhắc mọi yếu tố, có nên thay đổi ý định hay là tiếp tục kiên trì thuyết phục.

            Quan hệ thầy – trò trong nghiên cứu khoa học
Những phẩm chất mà một sinh viên nghiên cứu khoa học cần có là trung thực, kỷ luật và khiêm tốn, khi làm việc cần giàu óc tưởng tượng, giàu sáng kiến, nhiệt tình và kiên trì. Biểu hiện rõ ràng những phẩm chất này sẽ giúp cho người thầy hướng dẫn hiểu được và tin tưởng vào học trò của mình hơn, điều đó hiển nhiên là có ích cho sự tiến triển của đề tài nghiên cứu.

            Người thầy hướng dẫn sẽ hiểu mình cần làm gì để giúp sinh viên thực hiện tốt đề tài nghiên cứu: Lựa chọn đối tượng, rèn luyện phương pháp, tư vấn nghiên cứu tài liệu, xử lí số liệu.. v.v. Nhưng  sinh viên luôn là người chủ động trong công việc của mình, không nên thụ động, ỷ lại, trông chờ hoàn toàn vào sự chỉ định của thầy, vì người thầy chỉ định hướng, dẫn dắt mà không làm thay cho sinh viên.

            Trong quá trình thực hiện, cần duy trì đều đặn những buổi làm việc định kì để theo dõi tiến độ nghiên cứu, xác định những kết quả đạt và chưa đạt, đưa ra hướng giải quyết những vướng mắc xảy ra, thảo luận những bước đi kế tiếp, v.v. Mật độ làm việc thay đổi tuỳ lĩnh vực và đề tài, nhưng nói chung khoảng từ hai đến ba tuần một lần là vừa đủ, và đừng để vượt quá bốn tuần. Lịch gặp quá dày hoặc gặp mà không có nội dung/kết quả gì mới mẻ thì thường sẽ vô ích, thậm chí bất lợi cho sự tiến triển của đề tài.Khi làm việc định kì, sinh viên cũng không nên tỏ ra quá nhút nhát mà cần có sự tự tin đúng mực.
            4.Chọn tên đề tài
Sau khi đã có trong tay nhiều tài liệu bạn hãy đặt cho mình tên của đề tài. Lưu ý, tên đề tài phải ngắn gọn và phải thể hiện được vấn đề bạn đang định nghiên cứu. Tên đề tài phải thể hiện đầy đủ đối tượng, phạm vi, chủ thể, khách thể, thời gian, không gian nghiên cứu. Đề tài ở mức vừa phải, sát thực tế học hành ở trường và tập hợp được nhiều lực lượng tham gia.Ngoài ra cần có sự tư vấn của các thầy cô hướng dẫn NCKH để có tên đề tài thống nhất, phù hợp với nội dung đề tài.
            5.Lập đề cương
Bạn hãy thể hiện ý tưởng của mình thành một đề cương cơ bản bao gồm những nội dung sau đây:
+ Đặt vấn đề
+Mục đích nghiên cứu
+Phạm vi nghiên cứu (Phạm vi về không gian, thời gian, đối tượng nghiên cứu)
+Phương pháp nghiên cứu
+Câu hỏi nghiên cứu
+Các giả thuyết
+Kết cấu đề tài
+Nguồn số liệu, tài liệu tham khảo
Trên đây là các bước để các bạn tham khảo làm một đề tài NCKH.
Chúc các bạn thành công!

Phòng Khoa học Công Nghệ và Hợp tác Quốc tế – Trường Đại Học Thành Đô.

Tin tức khác

0934 078 668