14/11/2024
Vào ngày 01/11/2024, các nghiên cứu viên đến từ Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức đã tham gia trình bày tại Tọa đàm và Tập huấn “Đánh giá nguồn tài nguyên học liệu mở của thư viện cơ sở giáo dục đại học: Vấn đề và giải pháp” do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQGHN tổ chức.
Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngày 01/11/2024, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội (KĐCLGD – ĐHQGHN) đã tổ chức buổi tọa đàm và tập huấn đặc biệt với chủ đề “Đánh giá nguồn tài nguyên học liệu mở của thư viện cơ sở giáo dục đại học: Vấn đề và giải pháp.” Sự kiện diễn ra tại tòa nhà ULIS Sunwah, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, thu hút sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của 140 đại biểu, gồm các thành viên Hội đồng KĐCLGD, nhà quản lý giáo dục, kiểm định viên, chuyên gia và cán bộ trong lĩnh vực đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục.
Buổi tọa đàm được chủ trì bởi TS. Tạ Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm KĐCLGD – ĐHQGHN, cùng PGS.TS. Đinh Văn Toàn, Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng KĐCLGD. Đặc biệt, buổi tọa đàm còn có sự tham gia của TS. Phạm Hùng Hiệp và nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu giáo dục và chuyển giao tri thức (viện REK), Trường Đại học Thành Đô, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm về nguồn tài nguyên học liệu mở, đóng góp nhiều góc nhìn mới về việc khai thác và quản lý các nguồn tài nguyên này.
Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Tạ Thị Thu Hiền đã có bài phát biểu và báo cáo đề dẫn, trong đó bà đánh giá tổng quan thực trạng thư viện tại các cơ sở GD ĐH Việt Nam từ kết quả kiểm định chất lượng (KĐCL) của các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo trong thời gian qua. TS. Thu Hiền nhấn mạnh vai trò của các nguồn tài nguyên học liệu mở trong việc phục vụ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, cũng như năng lực của các kiểm định viên trong việc nhận diện và đánh giá mức độ đáp ứng của thư viện theo tiêu chí KĐCLGD.
Tiếp đó, báo cáo của TS. Phạm Hùng Hiệp, viện trưởng viện REK, đã phân loại và đánh giá các đặc điểm của nguồn tài nguyên học liệu trực tuyến, từ bài báo khoa học, sách điện tử đến các cơ sở dữ liệu học thuật. TS. Hiệp đề xuất rằng việc phân loại này giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và xây dựng chiến lược phát triển lâu dài.
Tiếp nối, ThS. Nguyễn Thùy Linh đến từ iGroup trình bày về các nguồn tài nguyên học thuật có bản quyền và cách thức xác thực nguồn tài nguyên, đảm bảo tính xác thực và chất lượng cao cho các công trình nghiên cứu và giảng dạy.
Cuối cùng, ThS. Nguyễn Linh Chi, nghiên cứu viên viện REK đã chia sẻ về các nguyên tắc cơ bản khi khai thác tài nguyên học thuật mở, đồng thời nhấn mạnh các loại giấy phép mở như Creative Commons và giới thiệu kho tài liệu Research4Life cùng thư viện OESR của TDU. Tuy nhiên, ThS. Linh Chi cũng cảnh báo rằng tài nguyên học liệu mở có thể thiếu tính xác thực do không được kiểm định chặt chẽ.
Tại phiên thảo luận, các vấn đề như quy chuẩn về chất lượng tài liệu học liệu mở, yêu cầu về giấy phép mở và các thách thức trong việc tích hợp nguồn tài nguyên này vào hoạt động đào tạo đã được đưa ra. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để tối ưu hóa việc quản lý, khai thác, và đầu tư vào nguồn tài nguyên học liệu mở, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo và nghiên cứu.
Buổi tọa đàm và tập huấn không chỉ giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên học liệu mở, mà còn là cơ hội để Trung tâm KĐCLGD – ĐHQGHN tri ân các nhà giáo và chuyên gia nhân dịp 20/11. Các đại biểu đánh giá cao những thảo luận và bày tỏ mong muốn có thêm nhiều hoạt động tương tự, tạo điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy sự phát triển của các thư viện học liệu mở trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Theo tin từ Trung tâm kiểm định chất lượng – Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường Đại học Thành Đô
Địa chỉ:
- Km15, Quốc lộ 32, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.
- Số 8, Kiều Mai, Phú Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0934 07 8668 – 0243 386 1601
Website: https://thanhdo.edu.vn/