21/12/2023
Năm 2023 đánh dấu cột mốc 50 năm quan hệ hợp tác song phương – đa lĩnh vực giữa Việt Nam và Úc. Trong suốt thời gian qua hai nước đã duy trì bền vững mối quan hệ hợp tác này, trong đó nghiên cứu khoa học là một trong những lĩnh vực có sự phát triển rõ rệt cũng như đạt được nhiều thành quả đáng chú ý.
Để nhìn nhận lại kết quả hợp tác nghiên cứu khoa học trong nửa thế kỷ này, nhóm tác giả gồm có Phạm Hùng Hiệp (Viện REK, Trường Đại học Thành Đô), Phan Thị Thanh Thảo và Đỗ Minh Trang (Nhóm nghiên cứu Reduvation, Trường Đại học Thành Đô), Lương Đình Hải (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đã công bố nghiên cứu mang tên “Research collaboration between global North and global South assessed in terms of published output: a case study of Australia and Vietnam” (tạm dịch: Hợp tác nghiên cứu giữa vùng phát triển và đang phát triển xét về số lượng công bố: nghiên cứu trường hợp giữa Úc và Việt Nam). Đáng chú ý, tác giả Đỗ Minh Trang đang là sinh viên khoa Kinh tế – Luật, trường Đại học Thành Đô.
Bài báo được xuất bản trên tạp chí European Science Editing, một tạp chí truy cập mở được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Scopus, xếp hạng Q2 trong lĩnh vực Truyền thông và Q4 về Thông tin Sức khỏe.
Sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục học, nhóm tác giả đã phân tích các nghiên cứu khoa học trong cơ sở dữ liệu Scopus, được công bố bởi các nhóm tác giả có ít nhất một tác giả công tác tại Úc và một tác giả công tác tại Việt Nam. Theo kết quả phân tích, sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc hợp tác nghiên cứu giữa hai nước đã và đang phát triển mạnh mẽ. Năm 1990 đánh dấu công bố đầu tiên có tham gia của các nhà nghiên cứu đến từ hai nước. Cho đến năm 2013, lượng công bố quốc tế có sự hợp tác Việt Nam – Úc cho thấy con số rất khiêm tốn, trung bình đạt 15-20 sản phẩm/năm. Kể từ giai đoạn 2014 trở đi, con số này theo đà tăng trưởng mạnh, tăng từ trung bình 100 sản phẩm/năm, đạt mức cao nhất là 1316 công bố vào năm 2020, sau đó giảm nhẹ từ năm 2021.
Cũng theo phân tích, 51.8% trong tổng số 8.377 tài liệu được phân tích không nhận được hỗ trợ tài chính (funding), 48.2% còn lại nhận được hỗ trợ từ ít nhất một nguồn. Các “nhà tài trợ” chính đến từ Úc, Việt Nam, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Sự góp mặt của Việt Nam cho thấy sự chênh lệch trong đầu tư cho hợp tác nghiên cứu giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển đã giảm phần nào. Bên cạnh đó tham gia vào mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia còn có các tác giả đến từ các đơn vị nghiên cứu khoa học – giáo dục ở nhiều quốc gia khác, tiêu biểu nhất là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp, và một số quốc gia mới phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia,… điều này nhấn mạnh xu hướng hợp tác đa phương trong nghiên cứu.
Xét về chủ đề – lĩnh vực nghiên cứu, phân tích cho thấy xu hướng nghiên cứu phần nhiều hướng tới chủ đề giải quyết các vấn đề và thách thức cụ thể của Việt Nam và các khu vực lân cận (Châu Á và Đông Nam Á), thông qua hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Australia, lĩnh vực nghiên cứu chiếm ưu thế lần lượt là Y học (Medicine), Khoa học Máy tính, Khoa học Nông nghiệp-Sinh học, và Khoa học Môi trường và Giáo dục
Những kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và các nhà hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực học thuật ở Việt Nam và Úc. Nghiên cứu này không chỉ đóng góp các thông số mang giá trị định lượng mà còn là cơ sở tham khảo để xây dựng chiến lược và áp dụng một góc nhìn toàn diện hơn trong vấn đề hợp tác quốc tế, đảm bảo lợi ích lâu dài và bền vững của các mối quan hệ ngoại giao cũng như giúp ích cho sự phát triển nội lực quốc gia.
Trường Đại học Thành Đô
Địa chỉ: Km15, Quốc lộ 32, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.
Hotline: 0934 07 8668 – 0243 386 1601
Website: https://thanhdo.edu.vn/