Đại học Thành Đô

Home » THADO-ER VÀ NHỮNG TRẢI NGHIỆM Ý NGHĨA TRONG MỘT NGÀY THU ĐẦY NẮNG

THADO-ER VÀ NHỮNG TRẢI NGHIỆM Ý NGHĨA TRONG MỘT NGÀY THU ĐẦY NẮNG

19/10/2023

Thadoers có một ngày trải nghiệm văn hóa – lịch sử – cảnh quan tại mảnh đất ngàn năm văn hiến trong một ngày thu thật đặc biệt và ý nghĩa.

Chuyến đi thực tế đưa các bạn sinh viên đến những địa điểm mang vẻ đẹp biểu trưng cho văn hóa, lịch sử của mảnh đất Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình uy nghiêm đến Văn miếu Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột cổ kính… mỗi điểm đến chứa đựng một vẻ đẹp và ý nghĩa riêng.

Lựa chọn Lăng Bác là địa điểm đầu tiên, Giảng viên – Sinh viên Trường Đại học Thành Đô bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với sự hy sinh to lớn của Người Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm đến mà mỗi thế hệ người Việt đều mong muốn ít nhất một lần đến thăm viếng để bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc dành cho vị cha già dân tộc, là biểu tượng vĩ đại, niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam. Dạo thăm Lăng Bác vào sáng sớm, hòa mình trong bầu không khí trong lành cùng khung cảnh hùng vĩ, vững chãi và trang nghiêm đã để lại nhiều ấn tượng trong giảng viên và sinh viên trong suốt hành trình.

Giảng viên - Sinh viên Trường Đại học Thành Đô viếng thăm Lăng Hồ Chủ Tịch
Giảng viên – Sinh viên Trường Đại học Thành Đô viếng thăm Lăng Hồ Chủ Tịch

Khi đến Lăng Bác, một bầu không khí trang nghiêm bao phủ cả một góc trời, tất cả mọi thứ ở đây như ngưng đọng lại để tạo không khí yên tĩnh trong giấc ngủ ngàn thu của người cha vĩ đại của dân tộc.

Một sinh viên chia sẻ đầy sự chân thành: “Không phải người Hà Nội, nên đây là lần đầu tiên được đến thăm và tận mắt nhìn Bác. Dù chỉ có thể nhìn Bác ở một khoảng cách khá xa, nhưng khi hòa trong hàng người từng bước chậm rãi đi qua trong Lăng, em cảm nhận được niềm tự hào, trân trọng và đầy tôn kính”

“Viếng Lăng Bác là niềm mong ước từ rất lâu của em, hôm nay được nhìn thấy Bác, lòng em rất xúc động. Em sẽ nhớ mãi giây phút được nhìn thấy Bác, rất thiêng liêng. Em thấy như được tiếp thêm sức mạnh, vững vàng hơn để phấn đấu học tập, rèn luyện và cống hiến sức trẻ nhiều hơn nữa cho quê hương”

Niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn thành kính là những cảm xúc mà các bạn sinh viên cảm nhận được khi đứng trước không gian Lăng Chủ Tịch. Đặc biệt, với những Tân sinh viên lần đầu đặt chân tới đây, trải nghiệm hôm nay chắc chắn sẽ trở thành ký ức lưu mãi và bất giác tự hào mỗi khi được nhắc tới.

Điểm dừng chân tiếp theo là Văn miếu Quốc tử Giám – Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều tầng giá trị văn hóa và lịch sử truyền thống dân tộc. 

Văn Miếu Quốc Tử Giám là di tích, ghi dấu truyền thống hiếu học vẻ vang của tổ tiên ta, thể hiện khát vọng giành lấy những đỉnh cao tri thức của sĩ tử, cũng như mong mỏi, kỳ vọng của triều đình, của nhân dân đối với trí thức. Nơi đây, trong những thế kỷ XI là trung tâm đào tạo các quan trí thức hàng đầu của đất nước và là nơi tuyển chọn những tài năng giỏi nhất để phục vụ triều đình. Ngày nay Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của Hà Nội với kiến trúc độc đáo, không gian thanh bình và cũng bởi những nét đẹp văn hóa và ý nghĩa lịch sử được lưu giữ.

Chuyến đi có sự đồng hành của Ban Giám Hiệu nhà trường, Giảng viên các khoa và tham dự của các bạn sinh viên, đặc biệt đông đảo là các “em út” Thadoer – K15. 

Giảng viên - Sinh viên Trường Đại học Thành Đô dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám 
Giảng viên – Sinh viên Trường Đại học Thành Đô dâng hương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Sinh viên được tham quan và dừng chân lắng nghe thuyết minh từ hướng dẫn viên về yếu tố lịch sử và văn hóa trong từng địa điểm đặt chân qua như Cổng Tam quan, Văn Miếu Môn, Hồ Giám, Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, Giếng Thiên Quang, 82 bia Tiến sĩ, Đại Thành Môn, Đại Bái Đường, Đền Khải Thánh,… Từ đó hiểu sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa dân tộc, thêm nhiều kiến thức về kiến trúc, lịch sử, một chút về học vấn thi cử xưa và hơn cả là cảm nhận về truyền thống hiếu học, trọng người tài, đề cao giáo dục nước nhà. Qua đây, tiếp thêm nguồn động lực cho sinh viên trong học tập, rèn luyện và kế thừa truyền thống tốt đẹp của ông cha.

Thầy Cô và Sinh viên lắng nghe thuyết minh tại các điểm dừng chân
Thầy Cô và Sinh viên lắng nghe thuyết minh tại các điểm dừng chân
Sinh viên quan sát tỉ mỉ từng chi tiết kiến trúc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Sinh viên quan sát tỉ mỉ từng chi tiết kiến trúc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Một trong những điểm dừng chân thu hút các bạn sinh viên là Khuê Văn Các. Khuê Văn Các được thiết kế với lầu vuông 8 mái, cao gần 9 thước. Kiến trúc gồm 4 trụ gạch vuông bên dưới được trạm hoa văn tinh xảo, làm bệ đỡ cho tầng gác bên trên. Tầng trên được ví như “viên ngọc sáng” của di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám được thiết kế nổi bật với 4 ô cửa hình mặt trời đang tỏa sáng cùng với mái ngói đỏ chồng 2 lớp tạo nên công trình mái đặc biệt. Hai bên Khuê Văn Các là 2 cửa mang tên Bí Văn và Súc Văn dẫn vào từng khu nhà bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Nhìn sâu hơn vào kiến trúc của Khuê Văn Các, có thể thấy những dụng ý sâu xa ẩn chứa phía sau đó, liên quan đến truyền thuyết “trời tròn, đất vuông”. Hình tròn bên ngoài nhắc nhở ý thức bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Còn hình vuông ở chân đế đại diện cho cánh cửa, đưa mỗi người con đất Việt đến gần hơn với tri thức, tương lai rộng mở, thành công.

Sinh viên đặc biệt ấn tượng với ý nghĩa của Khuê Văn Các - biểu tượng học vấn của người Việt
Sinh viên đặc biệt ấn tượng với ý nghĩa của Khuê Văn Các – biểu tượng học vấn của người Việt

Kết thúc hành trình bằng vẻ đẹp độc đáo trong kiến trúc Chùa Một Cột. Ngoài những nét kiến trúc độc đáo chùa Một Cột còn là đỉnh cao của triết học phương Đông. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không gian chùa được xây dựng hài hòa giữa triết lý âm – dương. Chùa được dựng hình vuông tượng trưng cho âm. Trong khi đó cột đỡ chùa hình tròn tượng trưng cho dương. Đó chính sự hài hòa của đất trời, sinh – tử, âm – dương… Tuy kiến trúc nguyên bản của chùa Một Cột thời Lý không còn nữa những ngôi chùa là sự nhắc nhớ về một thời vang bóng và là niềm tự hào của dân tộc.

Một điều khác biệt trong chuyến đi này là sự xuất hiện của những “hướng dẫn viên Thado-er” chính là các anh chị sinh viên khóa trước. Đây vừa là cơ hội trải nghiệm ngành nghề thực tiễn cho sinh viên năm 2, năm 3 khoa Du lịch Ngoại ngữ vừa là hoạt động gắn kết giữa các khóa. Chuyến đi thực tế nhằm tạo cơ hội cho giảng viên, tập thể sinh viên trong khoa và giữa các khoa được hiểu nhau hơn, nâng cao tình đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ nhau trong học tập, rèn luyện.

Trải nghiệm thực tế là một phần không thể thiếu trong hoạt động học tập của sinh viên Thành Đô. Chuyến đi lần này nằm trong chuỗi Chương trình học tập chủ động và trải nghiệm thực tế. Hoạt động học tập qua trải nghiệm thực tế là mô hình hiện đại đang được áp dụng ở nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Với mục tiêu trở thành trường đại học ứng dụng nằm trong top đầu, Trường Đại học Thành Đô chú trọng xây dựng môi trường học tập đa trải nghiệm và chương trình đào tạo được tối ưu hóa các hoạt động học tập phù hợp, vận dụng song song kiến thức giảng đường vào thực tế. Với mô hình đó, sinh viên được trau dồi thêm kiến thức thực tiễn cũng như kinh nghiệm xử lý các tình huống từ đó sinh viên vững vàng hơn trong thực hành nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chuyến trải nghiệm không chỉ giúp sinh viên tích lũy kiến thức, mở mang hiểu biết về văn hóa, lịch sử mà còn nâng cao ý thức trong giữ gìn và phát huy các nét đẹp truyền thống, lan tỏa các giá trị dân tộc qua các thế hệ và đến bạn bè quốc tế.

Trường Đại học Thành Đô

Địa chỉ: Km15, Quốc lộ 32, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.

Hotline: 0934 07 8668 – 0243 386 1601

Website: https://thanhdo.edu.vn/ 

Fanpage: https://www.facebook.com/truongdaihocthanhdo

Tin tức khác

0934 078 668