17/07/2025
Trường Đại học Thành Đô vừa công bố nghị quyết về việc thành lập Quỹ học bổng sau tiến sĩ Ngô Xuân Độ, nhằm tưởng nhớ và tri ân những đóng góp to lớn của thầy cho sự nghiệp giáo dục và khoa học công nghệ nước nhà, đồng thời hưởng ứng thực hiện nghị quyết 57/NQ-TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Trong suốt hơn 60 năm gắn bó với ngành giáo dục, nhà giáo Nhân dân Ngô Xuân Độ (1941 – 2024) đã để lại dấu ấn sâu đậm ở cả cương vị giảng dạy lẫn quản lý giáo dục. Thầy là người có công lớn trong việc xây dựng Trường Trung học Cơ khí I thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội và sau này là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Năm 2004, sau khi nghỉ hưu, thầy tiếp tục ấp ủ khát vọng cống hiến và là người đặt nền móng cho sự ra đời của Trường Đại học Thành Đô – một trong những trường đại học tư thục đầu tiên của cả nước. Ngày 27/12/2024, NGND Ngô Xuân Độ từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng nghiệp và bao thế hệ học trò. Tên tuổi và nhân cách của thầy mãi là tấm gương sáng về tinh thần học hỏi, đổi mới và lòng nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người.
Quỹ Học bổng sau tiến sĩ Ngô Xuân Độ (Ngo Xuan Do Postdoc Fellowship Foundation) ra đời như một cách hiện thực hóa di nguyện của thầy: “Tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học”. Đây cũng là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển nghiên cứu và hội nhập quốc tế của Trường Đại học Thành Đô nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập. Đồng thời, góp phần thực hiện nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đối tượng tham gia chương trình là các nhà khoa học đang công tác tại Trường Đại học Thành Đô hoặc các cơ sở khác mà có cộng tác với cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường, có học vị tiến sĩ và hướng nghiên cứu phù hợp với các ngành đào tạo của trường hoặc các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, đổi mới giáo dục và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Trong giai đoạn 2025 – 2029, tổng kinh phí của chương trình lên đến 5 tỷ đồng, dự kiến trao 10-15 học bổng mỗi năm. Mỗi dự án được tài trợ từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, tùy theo quy mô và tính chất đề xuất. Ngoài các kết quả nghiên cứu cơ bản như bài báo khoa học, sách chuyên khảo, chương trình cũng tài trợ cho các sản phẩm ứng dụng thực tiễn như phát minh, sách giáo trình, hệ thống đào tạo,… Thời gian thực hiện dự án tối thiểu là 12 tháng và tối đa là 36 tháng, có thể gia hạn thêm không quá 12 tháng.
Các đề xuất nghiên cứu sẽ được đánh giá qua hai vòng: thẩm định của chuyên gia độc lập và xét duyệt của Hội đồng đánh giá do Trường Đại học Thành Đô thành lập. Hội đồng sẽ họp định kỳ hàng quý để xét duyệt và nghiệm thu các chương trình tài trợ dựa trên năng lực của nhà khoa học, tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng của đề tài và sự phù hợp với mục tiêu của chương trình. Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức (Viện REK) là đơn vị trực tiếp quản lý và điều hành chương trình.
Việc thành lập Quỹ Học bổng sau tiến sĩ Ngô Xuân Độ không chỉ là sự tri ân sâu sắc đến một nhà giáo tận tâm mà còn là cam kết lâu dài của Trường Đại học Thành Đô đối với sứ mệnh giáo dục, khoa học và đổi mới. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để nhà trường tiếp tục phát triển nguồn lực học thuật và mở rộng hợp tác trong nước lẫn quốc tế.
Quỹ Học bổng sau tiến sĩ Ngô Xuân Độ đã chính thức mở cổng tiếp nhận hồ sơ đăng ký từ các nhà khoa học có quan tâm. Quý nhà khoa học có thể tìm hiểu thông tin chi tiết về quy định, tiêu chí và quy trình của chương trình tại website của Quỹ, truy cập tại https://ngoxuando-fellowship.thanhdo.edu.vn/
Để đăng ký tham gia chương trình học bổng, các nhà khoa học vui lòng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ (bản pdf có chữ ký, chưa cần xin xác nhận và đóng dấu đỏ của Cơ quan chủ quản) bao gồm các tài liệu sau và gửi về địa chỉ hòm thư điện tử: rek.institute@thanhdouni.edu.vn:
|
Mọi thắc mắc liên quan đến Chương trình Tài trợ Nghiên cứu Hậu Tiến sĩ Ngô Xuân Độ, xin vui lòng liên hệ trực tiếp qua địa chỉ email: rek.institute@thanhdouni.edu.vn để được giải đáp kịp thời.