09/03/2024
Chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành khoa học và xã hội” diễn ra vào 9h sáng 9/3/2024 tại trường THPT Thường Tín, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Chương trình có sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đại diện các trường đại học, doanh nghiệp, doanh nhân và hơn 1.000 học sinh THPT tham gia trực tiếp.
8h00
Tại chương trình, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học sẽ trực tiếp cung cấp thông tin mới nhất về những quy định, các mốc thời gian tuyển sinh trong năm 2024, cũng như những lưu ý quan trọng khi đăng ký tuyển sinh.
Bên cạnh đó, chuyên gia từ các trường đại học sẽ trả lời câu hỏi của học sinh về định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường cùng nhiều lưu ý quan trọng khác khi đăng ký xét tuyển.
Đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân cũng sẽ chia sẻ, truyền cảm hứng động lực thúc đẩy các em học sinh theo đuổi ước mơ; qua đó tạo môi trường tư vấn chất lượng và đa dạng để giúp các em học sinh THPT hiểu rõ hơn về các lựa chọn học tập và nghề nghiệp phù hợp.
Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2024 thu hút sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Tại đây, các cơ sở giáo dục sẽ giới thiệu đến các em học sinh phương án tuyển sinh, chỉ tiêu xét tuyển, mức học phí cũng như giới thiệu các ngành nghề đào tạo của nhà trường.
8h30
Mở màn cho chương trình là các tiết mục văn nghệ vô cùng sôi động đến từ các em học sinh trường THPT Thường Tín và THPT Việt Đức…
9h00
Phát biểu khai mạc chương trình, Nhà báo Ngô Vương Tuấn – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết, trong không khí sôi nổi của Tháng Thanh niên, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với trường Đại học Thành đô và các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình ý nghĩa: “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Khoa học và Xã hội” tại trường THPT Thường Tín, Hà Nội.
Chương trình này là hoạt động thiết thực, đồng hành cùng các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh cấp 3 trên hành trình lập thân, lập nghiệp; giúp học sinh hiểu rõ hơn về các ngành nghề trong khối Khoa học và Xã hội, từ đó có định hướng nghề nghiệp phù hợp; góp phần giải quyết tình trạng mất cân bằng trong lựa chọn ngành nghề hiện nay, hướng đến sự phát triển cân bằng của các lĩnh vực trong xã hội.
“Những năm gần đây, tỉ lệ học sinh thi đại học vào các ngành Kinh tế cao hơn nhiều so với Khoa học và Xã hội. Trong khi đó, trên thực tế, nhu cầu nhân lực cho khối Khoa học và Xã hội đang rất cao, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội.
Kể từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi, đòi hỏi học sinh cần định hướng nghề nghiệp sớm và chuẩn xác. Chương trình hôm nay nhằm cung cấp thông tin mới nhất về quy định, mốc thời gian tuyển sinh năm 2024.
Tại chương trình, các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, nhà giáo dục chia sẻ về xu hướng tuyển sinh, cơ hội việc làm của các ngành Khoa học và Xã hội. Đại diện doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm, truyền động lực cho học sinh.
Với tất cả nghĩa tốt đẹp của chương trình và tình cảm, trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên, ngành Giáo dục và Đào tạo, Báo Tuổi trẻ Thủ đô kính mong các đồng chí lãnh đạo, thầy cô giáo trả lời các bạn học sinh tham gia chương trình. Chúng tôi mong các em học sinh tích cực tham gia, đặt câu hỏi, trao đổi để có định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Từ buổi tư vấn ngày hôm nay, các em còn có thể lan truyền về những hiểu biết nghề nghiệp của mình cho bạn bè, người thân, những người chưa có dịp tham dự buổi tư vấn trực tiếp này”, ông Ngô Vương Tuấn chia sẻ.
9h20
Các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp tại chương trình: TS Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nhà báo Ngô Vương Tuấn – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô; bà Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành đô; TS Phạm Văn Tư – Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; chuyên gia giáo dục Nguyễn Phương Chi – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Vinamont; thầy giáo, siêu mẫu Nguyễn Đình Quyền – biên tập viên VOV3.
9h25
TS Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ và nêu những lưu ý xét tuyển sớm đại học năm 2024 đối với các học sinh tham dự chương trình.
Quy trình, phương thức, hình thức xét tuyển đại học năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm 2023 theo quy chế hiện hành. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường xây dựng quy chế tuyển sinh và đề án tuyển sinh cụ thể, công bố các phương thức tuyển sinh, các thời hạn và quy trình cần thiết trong quá trình tuyển sinh… trên trang thông tin điện tử của mình.
Có trường tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT, có trường xét tuyển học bạ, có trường tổ chức kỳ thi riêng hoặc điểm thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội…
Do vậy, một lưu ý cho thí sinh là cần nghiên cứu kỹ quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh ở những trường mình đang tìm hiểu để nắm rõ các quy định.
Một lưu ý khác là về xét tuyển sớm. Thí sinh cần lưu ý dù được công bố đủ điều kiện trúng tuyển sớm thì thí sinh vẫn chưa thực sự trúng tuyển.
Thí sinh cần phải đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển sớm này lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT trong thời gian đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ sót bước này, kết quả trúng tuyển sớm của các thí sinh sẽ không có hiệu lực.
Ngoài ra, các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển cần được sắp xếp theo thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng đầu tiên là nguyện vọng có ưu tiên cao nhất.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Phạm Như Nghệ cũng lưu ý bên cạnh việc chọn trường, chọn ngành theo sở thích, thí sinh cần theo dõi điểm chuẩn của từng ngành, từng trường những năm trước để có sự lựa chọn phù hợp.
9h30
Tham gia toạ đàm, TS Nguyễn Thuý Vân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô gửi lời chúc các em học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học sắp tới.
Trả lời câu hỏi của các bạn học sinh về những thay đổi về phương thức tuyển sinh của trường Đại học Thành đô trong năm 2024, bà Thuý Vân cho biết: Trong năm nay, ngoài 3 phương thức tuyển sinh như năm 2023 là: Xét tuyển theo kết quả học tập THPT; xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường Đại học Thành Đô có thêm hình thức xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành đặc thù yêu cầu kết quả học tập lớp 12 đạt loại giỏi như ngành Dược học phải đảm bảo các điều kiện: Học lực năm lớp 12 loại Giỏi; Tổng điểm trung bình 3 môn xét tuyển của 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) hoặc năm lớp 12 + điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 24 điểm trở lên.
Các học sinh có thể tìm hiểu các thông tin về phương thức tuyển sinh, các chương trình rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, học kỳ doanh nghiệp của Đại học Thành đô để lựa chọn ngành nghề phù hợp, tìm ngành nghề các em yêu thích tại website của trường: https://tuyensinh.thanhdo.edu.vn; Fanpage: https://www.facebook.com/truongdaihocthanhdo
Trả lời câu hỏi của các em học sinh băn khoăn liệu lựa chọn ngành học hiện tại có phù hợp với bản thân hoặc sau 4 năm ra trường có thể tự tin làm công việc liên quan đến ngành học, TS Thúy Vân cho biết “Đây cũng là sự quan tâm của tất cả các thí sinh và các phụ huynh khi đăng ký vào các trường. Do đó, nhà trường cũng đặt mục tiêu “đầu ra” cho sinh viên làm trọng tâm hàng đầu.
Do đó, ngay từ khi nhập học, trong học kỳ đầu tiên, các bạn sinh viên được làm quen với kiến thức ngành nghề trong doanh nghiệp để có kiến thức cơ bản nhất về ngành nghề. Đến năm thứ 3, nhà trường tổ chức học kỳ thực tập doanh nghiệp, sinh viên được tham gia thực tập và hưởng lương. Các em có thể thực tập tại nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây đều là những doanh nghiệp đã có hợp tác lâu dài với Đại học Thành Đô.
Do đó, Đại học Thành Đô luôn nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ sinh viên, hình thành mạng lưới doanh nghiệp đối tác; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Trong chương trình các bạn học sinh cũng được tham gia thêm nhiều hoạt động tại gian hàng của trường Đại học Thành Đô. Tại gian hàng, thầy cô giảng viên và anh chị sinh viên đã đưa đến cho các em học sinh những thông tin cụ thể, rõ ràng nhất về các phương thức xét tuyển, cách thức nộp hồ sơ cũng như giới thiệu chi tiết về các khoa, ngành tại trường.
Bên cạnh đó, các em học sinh cũng được tham gia các trò chơi sôi động, đậm chất Thành Đô như: Vòng quay may mắn và nhận các phần quà hấp dẫn. Các trò chơi không chỉ tạo sự hứng khởi, giúp cho các em học sinh bớt sự căng thẳng.
9h40
TS Phạm Văn Tư – Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội hài hước ví: “Chọn nghề như chọn người yêu/ chọn nhầm một cái đi tiêu cả đời”. Do đó phải tuân thủ các quy tắc khi chọn nghề.
Đó là: Hiểu mình tức là chọn nghề theo sở thích, sở trường và đầu ra phù hợp.
Hiểu nghề là tìm hiểu về đặc điểm của nghề, lực học và kinh tế của gia đình mình có theo học được không?
Thầy Tư cũng cung cấp thông tin: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 5 phương thức xét tuyển: Xét tuyển kì thi, xét tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét tuyển học bạ THPT; sử dụng kết quả thi năng khiếu với một số ngành giáo dục thể chất, âm nhạc; Bài thi đánh giá năng lực.
Trường có 2 nhóm ngành Sư phạm và nhóm ngành ngoài Sư phạm. Đặc biệt có 2 ngành mới: Sư phạm KTTN, Sư phạm Lịch sử địa lý.
Trường có tổng chỉ tiêu khoảng 5.000 cho các thí sinh yêu thích ngành Sư phạm.
Thầy Tư cũng lưu ý: Đặc biệt chú ý rèn luyện bản thân về hạnh kiểm. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ tuyển các học sinh có hạnh kiểm Khá trở lên.
Bên cạnh đó, các em học sinh cũng nên lưu ý các mốc thời gian nộp hồ sơ được quy định cụ thể có trên web của trường. Các em phải luôn luôn cập nhật thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thấy khó thì phải luôn hỏi thầy cô và các thông tin đăng tải trên báo chí chính thống.
9h45
Nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô chia sẻ nhận định về cơ hội việc làm của ngành báo chí – một trong những ngành hot trong khối ngành Khoa học và Xã hội đang được rất nhiều học sinh quan tâm.
Nhà báo Ngô Vương Tuấn cho rằng, ngành báo chí là một trong những ngành có nhiều cơ hội việc làm. Sau khi ra trường, các bạn sinh viên tốt nghiệp có thể làm tại các cơ quan báo chí của Nhà nước: Báo in, điện tử, phát thanh – truyền hình, media; hay làm MC, truyền thông…
Theo ông Ngô Vương Tuấn, hiện nay, nước ta có khoảng hơn 700 cơ quan báo chí và hơn 1000 ấn phẩm khách nhau. Các phóng viên, nhà báo có thu nhập cũng ở mức khá. Ngoài lương, thưởng, các bạn có cơ hội thu nhập từ các nguồn làm kinh tế báo chí, quảng các, truyền thông, theo năng lực của tuỳ từng người.
“Cơ hội nghề nghiệp của ngành báo chí còn được mở rộng tại các cơ quan quản lý báo chí, xuất bản, tuyên giáo; hay làm truyền thông, công tác chính trị trong lực lượng công an, quân đội; tham gia vào bộ phận quan hệ công chúng, truyền thông của các tổ chức phi Chính phủ, đại sứ quán, các tập đoàn, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học. Thậm chí, các bạn có thể làm các nhà báo tự do, phát triển các kênh Tiktok, mạng xã hội…”, nhà báo Ngô Vương Tuấn cho hay.
9h50
Chuyên gia giáo dục, doanh nhân Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Vinamont đã chia sẻ những kinh nghiệm để giúp các em học sinh chuẩn bị tâm lý vững vàng trước kỳ thi.
Theo đó, có 4 yếu tố để giúp các em vững tâm bước vào kỳ thi: Thứ nhất cần chuẩn bị tốt sức khoẻ. Trước kỳ thi, các em học sinh cần kên kế hoạch sinh hoạt khoa học, đảm bảo ăn đủ chất, ngủ đủ giấc. Việc này giúp các em tiếp thu bài tốt hơn. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động thể thao cũng giúp các em có thêm năng lượng, tập trung tinh thần tốt hơn.
Thứ hai là phải có kế hoạch ôn thi, phân bổ thời gian hiệu quả, đồng đều. Trong đó, xếp nhiều thời gian cho những môn còn kém.
Thứ 3 là luyện tập thật nhiều để giúp các em có kiến thức vững vàng.
Yếu tố cuối cùng, là phải tin tưởng vào bản thân mình, vững tâm vượt qua kỳ thi. “Ai cũng có nỗi sợ riêng, tuy nhiên hãy thiết lập cho mình một niềm tin và nỗ lực để đạt được mục tiêu đó. Hãy quyết tâm và vững tâm!”, doanh nhân Nguyễn Phương Chi chia sẻ.
9h55
Thầy giáo, siêu mẫu Nguyễn Đình Quyền, biên tập viên VOV3 chia sẻ tại chương trình đối thoại.
Xin chào các em! Hôm nay đến đây, Đình Quyền thấy như gặp lại mình của 10 năm về trước. Lúc đó Quyền cũng đầy băn khoăn trước sự lựa chọn về ngành học như các em bây giờ.
Quyền thích làm người mẫu, ca hát, nghệ thuật do đó Quyền theo học ngành âm nhạc tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Quyền không dừng lại ở đó mà tiếp tục cao học thuộc ngành nghề này. Theo Quyền nhận định ngành Âm nhạc, nghệ thuật hiện nay có cơ hội việc làm rất lớn trong xã hội.
Từ kinh nghiệm của mình, thầy giáo, siêu mẫu Đình Quyền tiết lộ bí quyết chọn ngành nghề là: Chọn đúng ngành đam mê; chọn ngành làm tốt; tìm hiểu xem xã hội có nhu cầu cao hay không?
10h00
Trả lời câu hỏi của học sinh trường Việt Đức hỏi về cơ hội việc làm tại ngành Sư phạm, thầy Phạm Văn Tư – Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết: Tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm tại ngành Sư phạm là 96,1%. Vị trí việc làm đa dạng: Giảng viên các trường đại học; giáo viên phổ thông; tư vấn giáo dục; tổ chức chính trị xã hội và nhiều ngành nghề khác.
Thầy khẳng định việc đào tạo của các trường Sư phạm rất sát với nhu cầu sử dụng của thực tế do đó khả năng có việc làm rất cao. Các cơ quan Nhà nước giảm biên chế nhưng riêng ngành Sư phạm không giảm. Học sinh đã trúng tuyển vào ngành Sư phạm sẽ được Nhà nước hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí.
Do vậy, khi ra trường phải làm trong ngành Giáo dục, nếu không làm thì phải trả lại phí đào tạo. Thầy cho biết thêm hiện nay nhu cầu giáo viên các môn Nghệ thuật, Âm nhạc là rất lớn.
10h10
Để chọn được ngành mình yêu thích, TS Thuý Vân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành đô cho biết, các em cần lựa chọn theo 4 bước.
Bước đầu tiên là các em liệt kê các ngành mà chúng ta yêu thích, sau đó sắp xếp lần lượt các ngành chúng ta thích nhất ở vị trí thứ 1, thứ 2 và thứ 3. Tuy nhiên, các em cần lưu ý ví dụ các em nữ nếu thích làm tiếp viên hàng không thì phải có chiều cao trên 1m6, do đó nếu các em không đạt yêu cầu về chiều cao thì cần có sự lựa chọn ngành nghề khác.
Bước thứ hai là đánh giá năng lực bản thân về kiến thức, ví dụ như nhóm ngành kinh tế, quản trị kinh doanh đòi hỏi kiến thức toán và ngoại ngữ, chúng ta cần xem xét kết quả học tập THPT và kết quả kỳ thi tốt nghiệp có đủ đáp ứng điều kiện của ngành học không.
Ngoài kiến thức cần có các kỹ năng, ví dụ các ngành nghề báo chí, sư phạm cần có kỹ năng giao tiếp, chúng ta cần tự đánh giá bản thân có kỹ năng giao tiếp hay không? Khả năng phát biểu trước một nhóm 200 – 300 học sinh?
Bước thứ ba là xem xét nhu cầu tuyển dụng của xã hội, chúng ta cần nghiên cứu các thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện nay xem họ đang tuyển dụng số lượng các vị trí việc làm ra sao, yêu cầu về bằng cấp, kỹ năng, mức lương… để chuẩn bị có cơ sở chuẩn bị trong quá trình học ở đại học có thể đáp ứng được vị trí tuyển dụng.
Bước thứ tư là căn cứ điều kiện hoàn cảnh gia đình, các em cần xem xét mức học phí của ngành học có phù hợp với hoàn cảnh gia đình để tìm các trường phù hợp điều kiện kinh tế gia đình.
Do đó, quyết định chọn trường chọn ngành trên cơ sở 4 bước ở trên phù hợp năng lực, kiến thức kỹ năng và điều kiện kinh tế của gia đình.
Chia sẻ thêm về nội dung này, chuyên gia giáo dục, doanh nhân Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Vinamont cho biết: Chị là cựu sinh viên trường Đại học Thành đô, hiện đang là giám đốc của 2 doanh nghiệp, hiện doanh nghiệp của chị đang rất cần nhân lực của ngành sư phạm.
Trên phương diện doanh nghiệp tuyển dụng, chị Nguyễn Phương Chi nhấn mạnh yếu tố kỹ năng mềm. Đây là yếu tố cần bổ sung, trang bị trong suốt quá trình học, từ những kỹ năng mềm về mặt tinh thần, thái độ. Bởi kỹ năng chuyên môn có thể đào tạo và bổ sung khi tuyển chọn nhưng nếu không có thái độ cầu thị, ham học hỏi thì sẽ khó được tuyển chọn, ngược lại, nếu có các kỹ năng trên thì đảm bảo đều có thể tồn tại trong mọi môi trường công việc.
10h15
Trả lời câu hỏi của bạn học sinh đến từ trường THPT Việt Đức: “Theo ngành báo chí cần có những kỹ năng gì?”, nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết, nghề báo đòi hỏi chúng ta rất nhiều kỹ năng.
Trước hết, nếu ai muốn theo nghề này, cần chuẩn bị tâm lý cực kỳ vững vàng, bởi tính chất công việc có áp lực cao, đòi hỏi làm việc theo sự kiện, sự việc xảy ra mà không quản ngày đêm. Khối lượng công việc nhiều nên người làm báo thường ít thời gian dành cho gia đình; đòi hỏi chúng ta cần có sức khoẻ tốt.
Nghề báo yêu cầu yếu tố tỉ mỉ, cẩn thận trong tác nghiệp, từ việc ghi chép lấy tư liệu đến viết bài… Chúng ta có thể đối diện với những tiềm ẩn rủi ro, lỗi sai trong bài viết có thể ảnh hưởng lớn đến bản thân và xã hội. Chẳng hạn như mảng pháp luật – bạn đọc dễ bị hành hùng, hay mắc lỗi về chính trị thì dễ bị kỷ luật…
Theo nhà báo Ngô Vương Tuấn, nghề báo đòi hỏi người làm phải có kiến thức nền tốt, hiểu biết ở nhiều lĩnh vực khác nhau; cần có kiến thức, kỹ năng công nghệ, để làm các thể loại báo chí mới đa phương tiện.
Giao tiếp cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với người làm báo. Chúng ta cần có những mối quan hệ tốt và thêm nữa là kỹ năng ngoại ngữ rất cần thiết để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, hiện đại.
10h20
Trả lời tư vấn về ngành Kinh tế Chính trị của trường Sư phạm, thầy Phạm Văn Tư cho biết đầu ra sẽ trở thành giảng viên tai các trường hoặc tư vấn chính sách về kinh tế tại các cơ quan Nhà nước. Cơ hội việc làm của ngành này rất rộng mở và việc đào tạo có ưu đãi lớn.
10h25
Trả lời câu hỏi nên chọn ngành hot hay ngành nghề mình yêu thích, thầy Nguyễn Đình Quyền khẳng định: Theo mình sẽ chọn ngành mình yêu thích. Bởi công việc là sự gắn bó cả đời và muốn phát triển lâu dài sẽ có những bước khó khăn. Phải là công việc mình đam mê, kiên trì theo đuổi thì mới có thể khắc phục những khó khăn ấy thì phải yêu thích, đam mê mới có thể phát triển cao hơn và đạt được những thành công như mong muốn.
10h26
Giải đáp về các chính sách học bổng cho học sinh khó khăn, TS Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành đô cho biết: Nhà trường sẽ tặng laptop cho 100% học sinh đăng ký học tập và lựa chọn ngành nghề tại Đại học Thành đô.
Ngoài ra, học sinh là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn có thể được miễn học phí toàn khóa học và chỗ ở khi đăng ký ngành quản trị văn phòng và Việt Nam học. “Hy vọng tháng 9 này, trường Đại học Thành đô sẽ được đón tiếp các bạn học sinh không chỉ huyện Thường Tín mà trên cả nước tới đăng ký ngành học và đón nhận các chính sách ưu đãi”, TS Thúy Vân chia sẻ.
Học bổng tại trường cũng là một trong những điều các em thí sinh quan tâm rất nhiều, đặc biệt đối với các em có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực trong học tập, và các trường cũng đã có những chính sách học bổng đặc biệt có thể chia sẻ đến các em, trường ĐH Thành Đô có thể chia sẻ về chính sách học bổng của nhà trường?
TS Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng Đại học Thành đô: Trường sẽ tặng 100% laptop cho các sinh viên đăng ký lựa chọn nghề nghiệp tại đh thành đô.
Đối với các em học sinh có gia đình hoàn cảnh, khó khăn hay dân tộc thiểu số lựa chọn xét tuyển ngành nghề quản trị văn phòng, việt nam học. Đây là hai ngành nghề Đại học Thành đô phục vụ cộng đồng sẽ miễn 100% học phí, miễn phí chỗ ở ký túc xá trong 4 năm học.
Theo Báo Tuổi trẻ Thủ Đô