03/06/2023
Trong bối cảnh hiện nay, tham gia xếp hạng chính là xu thế tiếp cận chiến lược phát triển tất yếu của các cơ sở giáo dục đại học nói chung. Các Bảng xếp hạng (BXH) quốc tế chính là môi trường tốt để các trường đại học đối sánh chất lượng với nhau, nhận thức rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình để cùng nhau cải tiến chất lượng. Nổi bật có thể nhắc đến BXH Thượng Hải, QS, BXH THE đánh giá hoạt động của các trường Đại học trên thế giới tập trung vào kết quả Nghiên cứu.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tham gia các BXH, trong bài viết “Sự tham gia của các trường đại học tại khu vực Đông Nam Á trong bảng xếp hạng THE Impact”, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo – Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô có viết:
Bảng xếp hạng đại học THE Impact (Times Higher Education Impact Ranking) là bảng xếp hạng đại học mới được ra đời từ năm 2019 do THE công bố. Bảng xếp hạng hướng tới mục tiêu đánh giá những đóng góp của các trường đại học cho cộng đồng theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Đến năm 2021, Bảng xếp hạng THE Impact đã kêu gọi được sự tham gia của hơn 1000 trường đại học trên thế giới. Trong bài viết này, tác giả khảo sát sự hiện diện của các trường đại học tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm các nước: Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Phillipines, Việt Nam và Campuchia tại bảng xếp hạng này trong giai đoạn 2019-2021. Kết quả cho thấy, bảng xếp hạng này đã ngày càng thu hút được sự quan tâm của các trường đại học tại Đông Nam Á. Mặc dù vậy, trong các đại học thuộc khu vực tham gia vào bảng xếp hạng này, chỉ có rất ít các đại học có thứ hạng cao từ bảng xếp hạng đại học THE truyền thống. Bài viết đưa ra bức tranh sơ bộ về kết quả tham gia bảng xếp hạng THE Impact của các trường đại học Đông Nam Á, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách, các trường đại học và bản thân bảng xếp hạng THE Impact.
Về việc các trường Đại học trong khu vực ASEAN tham gia Bảng xếp hạng, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo – Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô nhận định: “Các trường đại học của các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á bắt đầu tham gia vào bảng xếp hạng THE Impact từ năm đầu tiên và ngày càng có bước tiến đáng kể trong bảng xếp hạng. Trong bảng xếp hạng mới nhất, Đông Nam Á đã có 72 trường đại học trong khu vực tham gia bảng xếp hạng và có hai trường nằm trong nhóm 50 trường dẫn đầu là Trường Đại học Chulalongkorn của Thái Lan và Trường Đại học Sains Malaysia của Malaysia lần lượt ở vị trí 23 và 39. Tuy nhiên, các trường đại học còn lại đều ở vị trí khá thấp trong bảng xếp hạng. Bên cạnh các quốc gia Lào, Đông Timor và Brunei, Singapore cũng chưa có đại diện nào tham gia vào bảng xếp hạng”. PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo cũng cho rằng, để bảng xếp hạng THE Impact có tác động lớn hơn nữa mà không chỉ là công cụ quảng bá, các trường đại học cần áp dụng và triển khai những hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững đến tận các chương trình đào tạo. Các trường đại học cần có sự kết hợp chặt chẽ với Chính phủ các nước và các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế nhằm phát triển các mục tiêu phát triển bền vững theo lộ trình đã được chính phủ các nước trong khu vực đề ra.
Với mong muốn làm bật lên những điểm mạnh của giáo dục đại học tư nhân, tăng cường độ nhận diện của lĩnh vực giáo dục đại học khu vực châu Á Thái Bình Dương và mang tới một lựa chọn thay thế cho các bảng xếp hạng lớn vốn chỉ có lợi cho các cơ sở tập trung vào nghiên cứu (như Bảng xếp hạng Thượng Hải, QS, Times Higher Education…), tổ chức AppliedHE đã thiết kế nên bảng xếp hạng Private University Ranking: ASEAN (Bảng xếp hạng các trường đại học tư thục ASEAN) nêu bật chất lượng giảng dạy và học tập, khả năng tuyển dụng và nghiên cứu, cũng như mức độ tham gia vào các hoạt động cộng đồng, quốc tế hóa và danh tiếng của các tổ chức giáo dục đại học tư thục.
Cùng chung mục tiêu đưa nền giáo dục Việt Nam ra thế giới, Trường Đại học Thành Đô luôn tập trung nghiên cứu, cải thiện chất lượng giảng dạy cũng như cơ sở vật chất, nỗ lực ghi tên mình trong Bảng xếp hạng Đại học tư thục: ASEAN (Private University Ranking: ASEAN) của tổ chức AppliedHE. Năm 2022, trường lần đầu tiên góp mặt trong bảng xếp hạng với vị trí 19 trên tổng số 24 cơ sở tham gia vào bảng xếp hạng. Cùng với Đại học Duy Tân, Trường Đại học Thành Đô là đại diện thứ hai của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng này. Năm nay, bảng xếp hạng bao gồm một số cơ sở đến từ các quốc gia thuộc phạm vi rộng hơn là châu Á Thái Bình Dương chứ không chỉ gói gọn trong quy mô Đông Nam Á. Bên cạnh đó, trường Đại học Thành Đô cũng lần đầu ghi danh vào bảng xếp hạng (BXH) Webometrics. Trường Đại học Thành Đô đứng thứ 149 trong số 184 trường đại học ở Việt Nam và xếp hạng 19857 trên toàn thế giới.
Nằm trong Bảng xếp hạng là sự khẳng định chất lượng ngày càng đi lên của tập thể trường Đại học Thành Đô. Nhưng chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở đó, trường Đại học Thành Đô luôn hướng tới việc tiếp tục phát triển, nâng cao thế mạnh, cải thiện những điều còn thiếu sót để trở thành môi trường giáo dục uy tín, chất lượng, tiếp tục tiến cao hơn trong các Bảng xếp hạng.