Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mỗi năm có khoảng 600.000 thí sinh trúng tuyển vào đại học, nhưng 20% không nhập học, gần 7% sau đó phải đăng ký lại, cho thấy nhiều thí sinh đã chọn sai ngành, sai trường. Nhiều thí sinh chọn ngành theo xu hướng đám đông dẫn tới sự bất ổn trong cơ cầu ngành nghề cũng như cơ cấu đào tạo của các trường ĐH, CĐ.
Đây là thông tin do TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD-ĐT đưa ra trong chương trình tư vấn chọn ngành, chọn trường cho thí sinh trên sóng VOV2 FM 96,5 của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chọn ngành, chọn trường là một quyết định vô cùng quan trọng đối với mỗi thí sinh vì nó ảnh hưởng đến tương lai của mỗi con người. Với hơn 100 nhóm ngành đào tạo và trên 500 ngành học, việc để thí sinh hiểu đúng, có thông tin đầy đủ về các điều kiện cần và đủ để đưa ra sự lựa chọn chuẩn là điều không dễ dàng.
Phát biểu tại Hội nghị tuyển sinh 2024 tổ chức tại Hà Nội vừa qua, PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ mong muốn các thầy cô, chuyên gia tư vấn luôn đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm tốt nhất công việc tư vấn, để mang lại những quyền lợi, cơ hội tốt nhất cho các em học sinh.
Việc các trường ĐH, CĐ sử dụng nhiều phương pháp xét tuyển, thí sinh được đăng ký nguyện vọng tối đa vừa là thuận lợi cho thí sinh nhưng bên cạnh đó cũng tạo ra sự thiếu tập trung vào ngành học ưu tiên nhất. Cơ hội được mở rộng, sự thuận lợi càng tăng thì sự lựa chọn dường như không giảm đi phần khó khăn, các em học sinh lại thêm băn khoăn làm thế nào chọn được những nguyện vọng phù hợp nhất với sở trường các em, phù hợp với yêu cầu thị trường lao động và cơ hội việc làm ở tương lai.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội đôi khi làm cho học sinh cũng như phụ huynh bối rối.
Mỗi năm, số lượng thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học khoảng 600.000 thí sinh, nhưng số lượng nhập học chính thức chỉ đạt khoảng 80%, như vậy 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Điều này cho thấy khi các em đăng ký nguyện vọng đến lúc các em lựa chọn trường học, ngành học lại có sự khác nhau.
Việc tư vấn cho thí sinh được các trường triển khai như thế nào?
Những năm gần đây công tác tư vấn hướng nghiệp của các trường ĐH, CĐ đã phát triển tích cực – TS Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết. Các trường ĐH đã dành nhiều thời gian, công sức đầu tư cho các hoạt động tư vấn, định hướng cho thí sinh bằng nhiều hình thức: Trang Web, trang Fanpage, in tờ rơi, tổ chức các hoạt động tư vấn trực tiếp ở các trường phổ thông, tổ chức những ngày hội OPEN DAY cho học sinh trải nghiệm môi trường đại học, phố hợp với các trường Phổ thông, các sở GD-ĐT, các thầy cô giáo ở các trường Phổ thông cũng có sự phối hợp với các trường ĐH tư vấn cho học sinh căn cứ vào năng lực học tập của các em nhằm giúp các em đưa ra sự lựa chọn ngành học phù hợp.
Việc thí sinh chọn nhầm ngành học gây lãng phí thời gian, tiền của là điều rất đáng tiếc. Để hạn chế tình trạng này, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cần được làm rất sớm ở bậc học phổ thông để giúp thí sinh hiểu năng lực của bản thân đưa ra quyết định chọn ngành học phù hợp với năng lực và điều kiện tài chính của gia đình .
TS Trần Khắc Thạc, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi cho biết: Nhận thức rất rõ tầm quan trọng của công tác tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh, Trường ĐH Thủy lợi đã tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả cho công tác tư vấn tuyển sinh. Thí sinh có thể tiếp cận thông tin về các ngành đào tạo, các hoạt động của trường, cơ hội học bổng, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp… thông qua trang Web, trang Fanpage, qua các hoạt động tư vấn trực tiếp tại trường cũng như tại các trường phổ thông… Đặc biệt sự hợp tác với hơn 300 trường phổ thông ở các tỉnh, thành, việc đưa thông tin đến với thí sinh, phụ huynh đã rút ngắn dần khoảng cách giữa trường ĐH với thí sinh và giúp thí sinh có những thông tin chuẩn nhất để đưa ra sự lựa chọn ngành học.
Tuy nhiên, theo TS Trần Khắc Thạc, qua quá trình tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh, kẽ hổng, vết gãy của công tác tư vấn tuyển sinh chính là ở chỗ, thí sinh và cả phụ huynh còn thiếu thông tin về ngành nghề, chưa biết mình muốn gì, hợp với ngành học nào nên có sự lúng lũng bị động ở những năm cuối cấp khi áp lực học tập song hành với áp lực chọn ngành chọn trường. Để khắc phục tình trạng này cần phải tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho thí sinh từ sớm, ở bậc học phổ thông, từ những năm cấp THCS – TS Trần Khắc Thạc chia sẻ.
Trường ĐH Giao thông Vận tải ban hành đề án tuyển sinh năm 2024 từ rất sớm, với 32 ngành đào tạo và 4 phương thức tuyển sinh nhàm giúp thí sinh và phụ huynh tiếp cận tốt nhất với các thông tin tuyển sinh của trường. Đề án tuyển sinh được công bố rộng rãi trên các trang thông tin của trường và các co quan thông tin đại chúng. Bên cạnh đó các tờ gấp, poster được gửi đến tận tay các thí sinh và phụ huynh vào các ngày hội tư vấn hướng nghiệp do các sở GD-ĐT và các trường phổ thông tổ chức. Đặc biệt vào những thời điểm quan trọng nhà trường tổ chức các buổi trao đổi tư vấn trực tuyên cho thí sinh ở mọi miền tổ quốc nhăm giải đáp các băn khoăn thắc mắc của thí sinh trước khi các em đăng ký nguyện vọng cũng như gặp khó khăn trong quá trình xét tuyển đảm bảo các thí sinh đều có thể lựa chọn được đúng ngành đúng nghề giúp các em tiếp cận và sớm thành công trong nghề nghiệp.
TS Nguyễn Thúy Vân – Phó hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô cho rằng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn tuyến sinh cho các em từ sớm, đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục Đại học. Chính vì vậy, trường Đại học Thành Đô đã đưa ra Cổng hướng nghiệp – kênh thông tin tư vấn, hỗ trợ thông tin cho các bạn học sinh, sinh viên có nhu cầu định hướng nghề nghiệp, học đúng nghề, chọn đúng trường với mục đích giúp các thí sinh có nhận định rõ ràng ngành học dành cho mình từ sớm. Từ Cổng hướng nghiệp đến việc triển khai các chương trình tư vấn hướng nghiệp, các em sẽ có thời gian tìm hiểu về ngành nghề mình theo đuổi, tránh việc đăng ký xét tuyển vào ngành học không phù hợp.
Với tiêu chỉ tuyển sinh và hướng dẫn các em thí sinh lựa chọn đúng ngành đúng nghề, trường Đại học Thành Đô đã có những hoạt động hướng nghiệp tại nhiều trường THPT tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các buổi tư vấn hướng nghiệp có nhiều hoạt động định hướng ngành nghề đến các em. Đặc biệt với hoạt động làm bài trắc nghiệm hướng nghiệp. Bài trắc nghiệm sẽ dựa trên thói quen, sở thích, tính cách, mong muốn của các em để cho ra kết quả những ngành học phù hợp nhất. Đây là một trong những công cụ hữu ích dành cho tất cả các bạn thí sinh, đặc biệt đối với những bạn chưa xác định được ngành học mình mong muốn.
Sáng tạo trong công tác tư vấn tuyển sinh, trường ĐHKHTN-ĐHQG Hà Nội đã tổ chức cho các em học sinh ở các trường chuyên đến thăm quan trường, thăm các phòng thí nghiệm, gặp gỡ các giáo sư đầu ngành và nghe những bài giảng đại chúng của những GS nổi tiếng trong nước và quốc tế. Với mục đích thu hút những thí sinh có năng lực vào học các ngành khoa học cơ bản mũi nhọn có tính truyền thống của nhà trường, đội ngũ giảng viên của trường sẵn sàng tiếp nhận thông tin và giải đáp các câu hỏi của thí sinh qua nhiều kênh khác nhau.
Khối các trường Kinh tế có sức thu hút sự quan tâm của trên 60% thí sinh cũng triển khai các hoạt động tư vấn tuyển sinh định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú, đặc biệt chương trình tư vấn định hướng nghề nghiệp có sự tham gia của các cựu sinh viên thành đạt đã giúp thí sinh tự tin hơn khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường.
Tư vấn định hướng nghề nghiệp giúp thí sinh chọn ngành chọn trường phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện khả năng tài chính của gia đình bên cạnh đó các trường cũng tuyển được thí sinh phù hợp với các ngành đào tạo, cơ cấu, mục tiêu đào tạo của nhà trường là cái đích cuối cùng của công tác tuyển sinh. Nhưng muốn công việc này đạt hiệu quả và bền vững, các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cần chọn đối tượng là thí sinh, sự chính xác, trung thực, tận tâm của những người làm công tác tư vấn sẽ như một mạng lưới sàng lọc góp phần bình ổn, cân bằng cơ cấu ngành nghề, giúp thí sinh chọn đúng ngành phù hợp năng lực, góp phần cân bằng cung – cầu thị trường nhân lực ở mọi lĩnh vực ngành nghề.
Việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách sẽ giúp cho công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp trở nên chuyên nghiệp và bền vững cũng là vấn đề cần tính đến trong quá trình triển khai các hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc học phổ thông bên cạnh đó là xác định trách nhiệm cho các bộ, ngành điều tra dự báo nhu cầu nhân lực, vị trí việc làm của từng ngành sẽ giúp cân bằng cán cân cung – cầu giữa đào tạo và việc làm, TS Phạm Như Nghệ nói.