04/05/2024
Chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khoẻ – ngôn ngữ” là hoạt động trong chuỗi chương trình “Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến về tư vấn hướng nghiệp năm 2024” do báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với trường Đại học Thành đô và các đơn vị tổ chức.
Chương trình đối thoại nhằm kịp thời cung cấp cho các học sinh THPT những thông tin hữu ích, thiết thực về các ngành học, tư vấn chọn trường, chọn nghề cũng như gặp gỡ trực tiếp với những người thành công trong ngành để giúp các em hiểu và có động lực theo đuổi ước mơ.
Tiếp nối chuỗi sự kiện, chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khỏe – ngôn ngữ” với sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đại diện các trường đại học, doanh nghiệp, doanh nhân và hơn 1.000 học sinh THPT tham gia trực tiếp.
Đông đảo học sinh tham quan gian hàng của các trường |
Tại chương trình, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học sẽ trực tiếp cung cấp thông tin mới nhất về những quy định, các mốc thời gian tuyển sinh trong năm 2024, cũng như những lưu ý quan trọng khi đăng ký tuyển sinh.
Bên cạnh đó, chuyên gia từ các trường đại học sẽ trả lời câu hỏi của học sinh về định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường cùng nhiều lưu ý quan trọng khác khi đăng ký xét tuyển.
Học sinh được tư vấn về khối ngành sức khỏe – ngôn ngữ |
Trong khuôn khổ chương trình, đại diện các cơ sở giáo dục sẽ giới thiệu đến các em học sinh phương án tuyển sinh, chỉ tiêu xét tuyển, mức học phí cũng như giới thiệu các ngành nghề đào tạo của trường.
Hoạt động hướng nghiệp, tư vấn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với học sinh THPT và toàn xã hội, góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu phù hợp. Hướng nghiệp càng sớm giúp các em có thời gian để chuẩn bị tinh thần, kiến thức cũng như tìm hiểu sâu về nghề từ đó có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, chọn được nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu của thị trường lao động.
8h30
Những tiết mục văn nghệ chào mừng chương trình:
Các đại biểu tham dự chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khỏe – ngôn ngữ” tại trường THPT Chương Mỹ B, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội |
Các đại biểu tham dự chương trình |
8h35
Nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô phát biểu khai mạc chương trình đối thoại.
Nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô phát biểu khai mạc |
Chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khỏe – ngôn ngữ” do báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức là sự kiện vô cùng ý nghĩa dành cho các em học sinh THPT nói chung và các em học sinh lớp 12 nói riêng bởi hướng nghiệp không đơn giản là chọn ngành, chọn nghề mà còn là chọn hướng đi đúng trong tương lai.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô là cơ quan ngôn luận của Thành đoàn Hà Nội. Báo luôn đồng hành cùng thanh niên trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, báo tổ chức các chương trình, hoạt động thể hiện vai trò của mình với bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ.
Với các bạn thanh niên, học sinh, bên cạnh những chương trình nổi bật của báo như: Giải Cầu lông Học sinh Sinh viên thu hút hàng ngàn vận động viên, các chương trình ca nhạc, các cuộc thi dành cho giới trẻ…
Học sinh hồ hởi tham qua gian hàng tư vấn của các đơn vị tại chương trình |
Chuỗi chương trình đối thoại tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh là một cơ hội tốt để các em học sinh có cái nhìn rõ ràng hơn về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, giúp các em có được những lời khuyên bổ ích cho việc lựa chọn ngành học và định hướng nghề nghiệp đúng đắn.
Với tất cả nghĩa tốt đẹp của chương trình, bằng tình cảm, trách nhiệm với thế hệ trẻ, Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng cảm ơn các chuyên gia, các thầy cô giáo đã có mặt ở đây hôm nay để giúp các bạn học sinh có lựa chọn hiệu quả và đúng đắn cho tương lai. Từ buổi tư vấn ngày hôm nay, các em có những kiến thức hữu hiệu định hướng cho nghề nghiệp của mình.
Với những thông tin và kiến thức thu thập được từ chương trình, hy vọng các em học sinh sẽ có được sự lựa chọn đúng đắn.
8h40
TS Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá cao chương trình, thể hiện trách nhiệm vì cộng đồng của báo Tuổi trẻ Thủ đô. Chương trình giúp phụ huynh, học sinh có thêm kiến thức, vững tin, lựa chọn ngành học, trường học. Tại chương trình, TS Phạm Như Nghệ đã thông tin về những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2024.
Thời gian đăng ký từ 10 – 25/7.
TS Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chia sẻ về công tác tuyển sinh năm học 2024 – 2025 tại chương trình |
12/8 các trường công bố kết quả xét tuyển. Tất cả các trường đều tập trung vào đợt này. TS Phạm Như Nghệ lưu ý các em học sinh trúng tuyển nguyện vọng cao nhất. Do được quyền đăng ký số lượng, số ngành không hạn chế nên phải ưu tiên trường nào yêu thích nhất.
Ở mùa tuyển sinh 2024, giống như năm trước, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến.
Đây là điểm các em cần lưu ý. Chúng ta có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối Internet. Các em không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này.
Các chuyên gia, diễn giả trực tiếp cung cấp những thông tin mới nhất về công tác tuyển sinh |
Một điểm nữa Bộ GD&ĐT cũng đặc biệt lưu ý thí sinh, đó là việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó.
Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT cho phép các em được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Một chiến thuật chúng tôi thường khuyên thí sinh là các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê thì nên xếp phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.
Các học sinh hào hứng tham gia chương trình |
Như vậy, các em không nhất thiết phải lựa chọn những nguyện vọng không yêu thích lên đầu, mà hãy ưu tiên cho những nguyện vọng mình thích. Chẳng hạn, các em đã trúng tuyển sớm tại một trường đại học, ngành học yêu thích rồi, nếu đặt nguyện vọng này làm nguyện vọng 1, em chắc chắn sẽ trúng tuyển.
Các trường nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về thông tin tuyển sinh sẽ truyền thông để thí sinh nắm rõ. Còn trên phạm vi vĩ mô của toàn hệ thống sẽ giữ ổn định như vậy, với nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh. Phần vất vả sẽ thuộc về các thầy cô ở các trường và về Bộ GD&ĐT, còn các em sẽ được đảm bảo quyền lợi tối đa.
9h00
Thông tin về phương thức xét tuyển Đại học nói chung, xét tuyển ngành Dược tại Đại học Thành Đô nói riêng, TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô cho biết: Tại thời điểm này, phương thức sử dụng học bạ cấp 3 để xét tuyển đại học, cao đẳng là phương thức an toàn dựa trên kết quả học tập năm lớp 11 và kỳ 1 lớp 12.
TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô |
Theo TS Nguyễn Thuý Vân, Trường Đại học Thành Đô đang đào tạo về ngành Dược, các em có thể dùng kết quả học bạ cấp 3 để xét tuyển vào ngành này với điều kiện là kết quả lớp 12 phải đạt loại giỏi. Nếu kết quả học tập lớp 12 không đạt loại giỏi, các em học sinh có thể đăng ký vào trung cấp, cao đẳng, sau đó có thể học liên thông.
Ngoài xét tuyển học bạ, trường cũng xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT; kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội
Nhiều thông tin hữu ích về ngành Dược được TS Nguyễn Thuý Vân chia sẻ tại buổi đối thoại |
Về cơ hội nghề nghiệp của ngành Dược, TS Nguyễn Thuý Vân cho biết: Tốt nghiệp ngành Dược các em có thể làm việc tại khoa Dược của các bệnh viện; tại các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc, dược phẩm; tại các trung tâm kiểm nghiệm thuốc; hoặc có thể tự mình mở công ty Dược, nhà thuốc và làm chủ đầu tư hệ thống nhà thuốc.
9h10
TS Phạm Như Nghệ cho biết: Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chậm nhất ngày 10/7 các trường đại học phải công bố kết quả xét tuyển sớm và đưa danh sách trúng tuyển lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT.
TS Phạm Như Nghệ |
Các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó.
Bộ chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (trong trường hợp phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 thì thực hiện xét tuyển theo kế hoạch chung). Các trường phải có phương án để không tuyển vượt số lượng chỉ tiêu đã dự kiến.
Học sinh trường THPT Chương Mỹ B, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đặt câu hỏi tại chương trình |
TS Phạm Như Nghệ lưu ý tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.
Điều này vô cùng quan trọng. Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường đi chăng nữa.
Các em cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng một là cao nhất, sau đó đến nguyện vọng tiếp theo.
9h25
Tại chương trình, nhiều học sinh đã hỏi: Thưa bác sĩ Đỗ Doãn Bách, anh có thể chia sẻ cho các em học sinh ở đây lý do nào anh chọn ngành y? Anh đánh giá như thế nào về cơ hội việc làm khối ngành sức khỏe và có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang muốn theo học ngành Y?
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách hiện đang công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai là một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024 |
Sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành Y nhưng trước đó bác sĩ Đỗ Doãn Bách không chọn nối nghiệp gia đình vì thấy nghề rất vất vả. Tuy nhiên, giai đoạn khi tôi đang học cấp 3 thì đã xảy ra một biến cố nhỏ, đó là có một bạn học sinh trong trường lên cơn co giật và ngất xỉu trong lớp, nhờ được bố mẹ dạy các kiến thức sơ cứu cơ bản, tôi đã sơ cứu và giúp bạn qua cơn nguy hiểm.
Ngày hôm đó những hình ảnh trong quá trình sơ cứu giúp bạn vẫn in sâu trong tâm trí tôi. Tôi nhận ra niềm hạnh phúc vô bờ bến khi được giúp đỡ chữa bệnh mọi người.
Ngoài ra, việc lựa chọn chuyên ngành tim mạch là chuyên ngành chuyên sâu và khó xuất phát từ niềm đam mê với môn sinh học ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Tôi rất đam mê với những tiết học sinh học cấp 2 như mổ ếch, giải phẫu cơ thể, trồng cây từ các hạt giống… Do đó, khi lựa chọn ngành Y cần học tốt khối B với các môn học toán, hoá, sinh.
Học sinh được tư vấn tận tình về ngành Y, Dược tại chương trình |
Tuy ngành Y cũng có thời gian học rất dài so với các ngành nghề khác nhưng hiện nay cơ hội việc làm của ngành là rất lớn. Hiện nay, tỉ lệ các bác sĩ của Hà Nội mới chỉ đạt gần 11 bác sĩ/1.000 dân. Nguồn nhân lực rất thiếu trong khi đó ngành Y là khối ngành dọc thu hút rất nhiều nhân lực: bác sĩ, nhân viên y tế, điều dưỡng, dược sĩ… với nhiều chuyên ngành phong phú, y tế dự phòng, dược…
Các bạn học sinh lựa chọn ngành Y sẽ có cơ hội làm việc tại các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện nhà nước, các công ty dược phẩm… Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, ngành Y tế càng thiếu trầm trọng về nguồn nhân lực.
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách và các diễn giả tại chương trình |
Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày tôi sẽ khám cho khoảng 50 bệnh nhân do đó tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều đồng nghiệp từ những bạn học sinh tại đây.
Tôi cũng dành lời khuyên khi lựa chọn ngành Y, bên cạnh đam mê cần phải hiểu xem bản thân mình có năng lực thế nào, lựa chọn nghề nào thì phải có trách nhiệm với nghề nghiệp đó.
9h35
Bên cạnh khối ngành Y, Dược thì có một khối ngành nhận được rất nhiều quan tâm từ các em học sinh. Đó là các ngành ngôn ngữ.
TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Ngôn ngữ ứng dụng, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội |
TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Ngôn ngữ ứng dụng, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ về các khối ngành ngôn ngữ đang rất nổi bật cũng như cơ hội việc làm của khối ngành này.
Mở đầu cho phần đối thoại này, TS Hùng đặt câu hỏi: Các bạn có biết chúng ta đang ngồi đây, phát triển do cái gì là chính không? Là lao động, ngôn ngữ. Ngôn ngữ để giao tiếp với nhau, chia sẻ với nhau. Một con người sống được là nhờ ngôn ngữ. Chính vì vậy, ngôn ngữ là vô cùng quan trọng…
Cũng theo TS Nguyễn Việt Hùng, ngôn ngữ “hot” là ngôn ngữ có sức ảnh hưởng trong xã hội, “hot” là do sức mạnh của ngôn ngữ đó, nền văn hóa đó ở một thời điểm.
TS Nguyễn Việt Hùng cung cấp thông tin về ngành Ngôn ngữ tới các học sinh tại buổi đối thoại |
Nói về quá trình đào tạo trường Đại học Quốc tế, trường đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ Anh, Trung, Hàn. Tuy nhiên điểm đầu vào của trường khá cao, vì thế, tuỳ theo năng lực, học sinh có thể lựa chọn trường Đại học Ngoại ngữ, Sư phạm… để theo học.
Ngôn ngữ tiếng Anh tại Đại học Quốc tế tuyển sinh từ năm 2021 mới tuyển sinh, năm nay là năm thứ 3. Nhà trường đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ Anh, giao tiếp, dịch thuật… sinh viên của trường có nổi trội, đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh…
Học sinh gửi những thắc mắc của mình về kỳ tuyển sinh năm học 2024 – 2025 đến chuyên gia tại chương trình |
Chương trình ngôn ngữ Anh tại Đại học Quốc tế có phương pháp đào tạo rất tốt. Nhà trường còn kết hợp với nhiều trường đại học ở nước ngoài và cả trường đại học trong nước. Các em sinh viên có thể học ở Đại học Quốc tế, trong quá trình học tập, có thể sang các trường liên kết để học, thay đổi môi trường học tập, trải nghiệm… Từ đó, sinh viên có thể trao đổi học thuật ở nước ngoài và đăng các công trình nghiên cứu trên tạp chí khoa học nước ngoài.
9h45
Chia sẻ nhiều bí kíp các chuyên gia trong đội ngũ nhiều năm đi làm tư vấn hướng nghiệp, Th.S Đặng Thị Ngọc Quyên, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Trưởng phòng Hợp tác, trường Đại học Anh quốc Việt Nam chia sẻ về tâm lý có thể bị áp lực trước kỳ thi quan trọng.
Th.S Đặng Thị Ngọc Quyên, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Trưởng phòng Hợp tác, trường Đại học Anh quốc Việt Nam trao đổi tại chương trình |
Để giải toả tâm lý này, nhiều bí kíp rất đơn giản nhưng lại hiệu quả: Ví dụ như tinh thần tâm lý vào các buổi sáng sớm, học môn lý thuyết, thuộc lòng phù hợp với cơ chế sinh học.
Môn làm bài tập, thực hành, tư duy lô gic, tính toán thử học vào buổi chiều, buổi tối, sau một ngày có nhiều vấn đề khó tập trung.
Một điều rất quan trọng, giúp các em luôn có tâm thế chủ động, đó là sự “sẵn sàng”. Nếu bây giờ chưa thực sự sẵn sàng thì cũng là bình thường vì kỳ thi còn 2 tháng nữa mới bắt đầu. Ngoài thực sự sẵn sàng về mặt kiến thức thì các em cần phải sẵn sàng về mặt tâm lý, sẵn sàng đón nhận những thử thách.
Lấy chính ví dụ từ bản thân, Th.S Quyên cho biết đã từng thi trượt vào khoa tiếng Pháp, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ước mơ đầu tiên vụt tắt bởi không như các bạn bây giờ có nhiều lựa chọn trường học khác. Giờ đây nhìn lại, bản thân lại cảm ơn vì sự thất bại đó.
Nếu đỗ khoa tiếng Pháp ngay từ đầu thì bản thân đã không được những phút giây, cơ hội làm việc như bây giờ. Bởi trong quá trình ôn tập, chờ thời gian thi tiếp, bản thân đã đi làm bồi bàn, học hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh để đối mặt với thách thức tiếp theo.
Từ câu chuyện của bản thân, Th.S Quyên mong muôn các bạn hãy mạnh dạn đối diện thách thức; Bất cứ làm việc gì, hãy làm với trái tim mình, khi làm hết mình sẽ học được nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết để phục vụ công việc và cuộc sống.
Th.S Quyên cho rằng: Hãy gặp, hãy ứng xử với người xung quanh như hôm nay là ngày cuối cùng. Bất cứ phút giây nào trong cuộc đời thì hãy đón nhận, cơ hội này đóng lại, thì cơ hội phía trước sẽ mở ra…
Khởi nghiệp ở lĩnh vực sức khoẻ hiện được nhiều bạn trẻ quan tâm, vậy muốn trở thành CEO của ngành này thì có thể học ở đâu?
Học sinh gửi câu hỏi đến các diễn giả tại chương trình |
Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô cho biết: Bất kỳ trường đại học nào cũng có thể mang lại cơ hội khởi nghiệp, bởi chương trình đào tạo của các trường đều trang bị cho các em những kỹ năng, kiến thức cơ bản cần có về các ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, với lĩnh vực sức khỏe, đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu từ trong trường học để ít nhất khi ra trường các em có kiến thức về ngành này, đảm bảo tư vấn, an toàn khi mở nhà thuốc, thành lập doanh nghiệp hay nói cách khác với ngành sức khỏe, các em cần phải trang bị kiến thức, nền tảng chắc chắn trước khi khởi nghiệp.
TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô |
10h10
Là một chuyên gia có nhiều năm tham gia công tác hướng nghiệp, mượn câu chuyện qua trò chơi nhỏ về “đổi giầy”, Th.S Đặng Thị Ngọc Quyên chia sẻ 5 bước lựa chọn ngành nghề phù hợp để có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn.
Theo Th.S Quyên, bước đầu tiên cần phải hiểu mình mong muốn gì, như hiểu đôi chân mình đi được đôi giầy nào để chọn ra đôi giầy (nghề nghiệp) mình mong muốn nhất.
Thứ hai, phải hiểu về nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Ví như lựa chọn đôi giầy đi chơi thể thao, giầy đi dự sự kiện… Nghề nghiệp mình lựa chọn cần kiến thức, kỹ năng hay tính cách của người học như thế nào
Thứ ba là cần phải hiểu môi trường đào tạo. Cũng giống như việc hiểu nhà cung cấp giầy là ai, giá thành ra sao, phù hợp với khả năng mình không?
Th.S Đặng Thị Ngọc Quyên |
Thứ tư, các em cũng cần trải nghiệm nghề, ví như việc lên các trang tuyển dụng xem đặc điểm nghề như nào, hỏi các thầy cô, nhà báo, anh chị đi trước để có thể hiểu sâu về nghề, định hướng theo nghề nào thì sẽ tiếp cận với người làm nghề đó, giống như đi một đôi giầy mới, chúng ta phải đi đi lại lại để xem có phù hợp không.
Thứ năm, lập kế hoạch và ra quyết định. Đi giầy rồi, cần phải lập kế hoạch thích đi giầy đó rồi thì phải làm thế nào để tiết kiệm được tiền mua; Giống như mục tiêu đến trường nào, xem xét kỹ mốc thời gian của từng trường…
Nếu lựa chọn được rồi thì hãy chiêm nghiệm lại giống như câu chuyện thử giầy, đổi giầy.
Sau khi làm đủ 5 bước trên, Th.S Quyên đặt niềm tin các học sinh tham gia đối thoại hôm nay sẽ có được sự lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp của mình.
10h20
Tại buổi đối thoại, nhiều học sinh đã có những băn khoăn thắc mắc rất thực tế. Theo đó, nhiều em đã hỏi: Năm 2024 là năm cuối thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cũ. Từ năm 2025, thí sinh sẽ thi theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nếu thí sinh không đủ tiêu chuẩn xét tuyển đại học năm nay, thì làm thế nào để được xét tuyển đại học vào năm sau?
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo |
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) đã được học theo tinh thần bảo đảm đầy đủ quyền lợi của học sinh.
Với các em trượt kỳ thi tốt nghiệp của Chương trình GDPT 2006, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu tổ chức thi cùng năm 2025 nhưng có 2 chương trình đề thi khác nhau. Một đề nội dung theo Chương trình GDPT 2018, nội dung đề còn lại theo Chương trình GDPT 2006.
Học sinh hoàn toàn có thể yên tâm rằng không phải học theo chương trình GDPT 2006 mà phải thi theo chương trình GDPT 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đảm bảo công bằng cho các em.
10h30
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách chia sẻ: Như chúng ta đã biết ngôn ngữ có sức mạnh vô cùng to lớn. Trong đó, sự kết nối giữa ngành Y dược và ngôn ngữ cũng rất quan trọng. Ví dụ, nếu học ngành Y, chúng ta học tốt các ngoại ngữ như: Tiếng anh, tiếng Trung , tiếng Pháp… sẽ giúp cập nhật các kiến thức y học trên internet. Bởi hiên nay nhiều kiến thức, khuyến cáo y tế được cập nhật liên tục trên trên mạng, từ sinh viên cho đến các nhà khoa học, giáo sư cũng sẽ tiếp cận kiến thức một cách đa phương, đa chiều…
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách chia sẻ tại chương trình |
Trong môi trường bệnh viện, bệnh nhân đến điều trị đều có bệnh nên luôn mang tâm lý lo lắng, stress. Lúc này, bác sĩ, nhân viên y tế cần dùng ngôn ngữ để “chữa lành” cho người bệnh. Đây là lúc chúng ta cần tạo ra môi trường giao tiếp cởi mở nhất tăng niềm tin với người bệnh, cách thức nói năng sử dụng âm điệu tạo sự thấu hiểu.
Chuyên ngành tim mạch của tôi cũng rất gần với sức khoẻ tinh thần, trong khi stress lo lắng sẽ khiến nhịp tim đập nhanh, bệnh nhân càng lo lắng, bệnh càng thêm nghiêm trọng. Có trường hợp bệnh nhân nhập viên do tâm lý lo lắng nhưng sau khi chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân có tâm lý thoải mái, nhịp tim ổn định trở lại và được ra viện ngay trong ngày.
Đông đảo học sinh tham quan gian hàng của các trường đại học, cao đẳng |
Trong một số các trường hợp, bác sĩ còn phải học cách “nói dối” để tạo cho người bệnh tinh thần tốt nhất, vượt qua bạo bệnh. Tôi vẫn còn nhớ những ký ức buồn trong quá trình tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trong giai đoạn cao điểm của đại dịch.
Nỗi ám ảnh lớn nhất là khi bệnh nhân COVID-19 tử vong, chúng tôi phải thông báo với gia đình bệnh nhân, đối diện với những cảm xúc của họ khi mất mát đi người thân, bác sĩ phải nói chuyện thể hiện sự thấu hiểu với những nỗi đau, sự mất mát của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.
10h40
Kết thúc chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khỏe – ngôn ngữ” tại trường THPT Chương Mỹ B, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô tặng hoa cảm ơn các chuyên gia, diễn giả tham dự chương trình |
Các chuyên gia, diễn giả cùng ban tổ chức chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khỏe – ngôn ngữ” tại trường THPT Chương Mỹ B, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội |
Cán bộ, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tại chương trình |
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Thủ Đô