Đó là những tổng kết được đưa ra trong cuốn sách “55 năm Khoa học giáo dục Việt Nam: Phân tích từ dữ liệu Scopus”. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục (Bibliometric) để phân tích dữ liệu Scopus về các công bố quốc tế trong lĩnh vực giáo dục của các nhà khoa học Việt Nam.

Thông qua truy vấn và rà soát, 1.392 tài liệu về khoa học giáo dục Việt Nam công bố trong giai đoạn 1966 – 2020 đã được ghi nhận và đưa vào phân tích. 82% trong số đó đã được công bố quốc tế dưới dạng bài báo khoa học.

Dựa theo số lượng hằng năm, có thể chia sự phát triển của khoa học giáo dục Việt Nam thành bốn giai đoạn:

Giai đoạn sơ khởi: Tài liệu đầu tiên được công bố quốc tế vào năm 1966 nhưng trong suốt 10 năm sau đó (1967 – 1974), đây là tài liệu duy nhất được công bố. Năm 1966 cũng là mốc sớm nhất mà Scopus chỉ mục các tạp chí, ghi nhận các tiêu đề và tóm tắt của các công bố khoa học.

Giai đoạn hình thành: 30 năm tiếp theo (1975 – 2005) trung bình mỗi năm có hơn một tài liệu được công bố. Quãng thời gian này chiếm hơn một nửa chặng đường phát triển của nghiên cứu khoa học giáo dục nhưng số lượng tài liệu không nhiều với 56 tài liệu, chiếm khoảng 4% lượng tài liệu công bố trong toàn bộ giai đoạn phân tích.

Giai đoạn phát triển: Năm 2006 đánh dấu giai đoạn tăng mạnh về số lượng các tài liệu khoa học giáo dục được xuất bản. Trong 10 năm (2006 – 2015), tổng số tài liệu khoa học giáo dục Việt Nam được ghi nhận trên cơ sở dữ liệu Scopus là 325, nhiều gấp 5 lần số tài liệu được công bố trong 30 năm trước đó.

Giai đoạn đột phá: Từ năm 2016, số lượng nghiên cứu về khoa học giáo dục Việt Nam tăng đột phá với tốc độ tăng 50% hằng năm. Số lượng tài liệu xuất bản trong năm 2016 nhiều gấp 1,5 lần số lượng tài liệu được xuất bản trong suốt 40 năm đầu (84 so với 56 tài liệu). Chỉ tính riêng số lượng tài liệu xuất bản trong năm 2020 đã nhiều hơn số lượng tài liệu xuất bản trong 10 năm (2006 – 2015) – 397 so với 325 tài liệu.

Cuốn sách do tác giả Phan Thị Thanh Thảo, Phạm Hùng Hiệp, Lương Đình Hải (chủ biên)
và Nhóm nghiên cứu Reduvation (Trường ĐH Thành Đô) biên soạn. Ảnh: PT

Trong giai đoạn 1966-2020, ba lĩnh vực nghiên cứu có nhiều công bố nhất gồm Dạy và Học; Nghiên cứu; và Quản lý, lãnh đạo và chính sách. Trong khi đó, các lĩnh vực có ít nghiên cứu nhất là Kinh tế giáo dục và Giáo dục đặc biệt. Các lĩnh vực đang được quan tâm nghiên cứu gần đây có thể kể đến Khả năng tuyển dụng, Ý định khởi nghiệp (Entrepreneurship), Giáo dục Toán học, Học tập trực tuyến, Nghiên cứu vị thành niên, Giáo dục STEM. Giữa các bậc học, phần lớn các công bố của Việt Nam tập trung vào giáo dục đại học; các bậc học khác, đặc biệt là Giáo dục trẻ sớm và Giáo dục nghề nghiệp, còn chưa được quan tâm nghiên cứu một cách tương xứng.

Các đơn vị dẫn đầu về số lượng công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học giáo dục hiện nay là Đại học Quốc gia Hà Nội (55 tài liệu và 540 lượt trích dẫn), Trường Đại học Tôn Đức Thắng (33 tài liệu và 143 lượt trích dẫn), Trường Đại học Cần Thơ (27 tài liệu và 172 lượt trích dẫn), Học viện Dân tộc (25 tài liệu và 75 lượt trích dẫn), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (16 tài liệu và 96 lượt trích dẫn), Đại học Quốc gia HCM (11 tài liệu và 76 lượt trích dẫn).

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trong những trường có nhiều công bố quốc tế về khoa học giáo dục. Ảnh: INT

Nghiên cứu này chưa có sự đối sánh công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học giáo dục với các ngành khác trong khối khoa học xã hội. Nhưng trước đó, vào năm 2020, đã có một phân tích cơ sở dữ liệu WOS về số lượng công bố quốc tế của 31 ngành khoa học xã hội giai đoạn 2008 – 2019, cho thấy khoa học giáo dục đứng thứ hai với 484 tài liệu và 534 tác giả, chỉ sau lĩnh vực Kinh tế (với 941 tài liệu và 1.350 tác giả) [1].

Dữ liệu phân tích cũng chưa đề cập đến các nghiên cứu khoa học giáo dục bằng tiếng Việt và công bố tại Việt Nam cũng như các nghiên cứu về khoa học giáo dục Việt Nam của người nước ngoài ở Việt Nam hay của người nước ngoài ở nước ngoài. Sự thiếu hụt thông tin này có thể khiến bức tranh về khoa học giáo dục Việt Nam chưa toàn diện.

Nhìn lại 55 năm của khoa học giáo dục Việt Nam, nhóm tác giả xác định một số công bố quốc tế dưới đây như là những là dấu mốc quan trọng.

Công bố khoa học giáo dục đầu tiên của người Việt được Scopus ghi nhận

Tài liệu đầu tiên được ghi nhận trong hệ thống là của tác giả Nghiêm Đằng (Phó Viện trưởng Học viện Hành chánh Quốc gia tại Sài Gòn) với tiêu đề “Schools’ Section: Outline of a Teaching Programme in Development Administration” (tạm dịch: Đề cương giảng dạy trong chương trình phát triển nhân viên hành chính). Bài báo được công bố năm 1966 trong chuyên mục Schools Section của tạp chí International Review of Administrative Sciences (tạp chí này liên tục nằm ở Q1 và Q2 Scopus trong 10 năm gần đây).

Trong bài viết tác giả đưa ra năm ý tưởng về những kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành cần được đưa vào một chương trình đào tạo nhân viên hành chính: Đào tạo chung tập trung vào vấn đề phát triển (để hình thành tầm nhìn về phát triển đất nước dưới góc độ xã hội học, kinh tế học, khoa học hành chính và chính trị); Kiến thức về điều kiện hành chính (các kỳ thực tập giúp học viên quan sát các tình huống thực tế, nhìn nhận những rào cản và đối chiếu với lý thuyết và tìm kiếm cách thức hoặc đề xuất hướng cải thiện); Khả năng thích ứng (học viên nên được khuyến khích trình bày các giải pháp cho một vấn đề nhất định thông qua các hội thảo, hội họp về các vấn đề thực diễn ra trong hành chính công, từ đó phát triển khả năng thích ứng một cách hệ thống và thực tiễn); Tầm nhìn toàn diện (việc học tập từ các tình huống trong quá trình thực tập sẽ giúp học viên mở rộng tầm nhìn, cho phép họ quan sát tầm nhìn toàn diện hoặc sự thiếu tầm nhìn từ cán bộ hành chính hướng dẫn của mình); Quan hệ con người (học viên cần được giới thiệu một bức tranh chân thực về các phong tục của quốc gia và thái độ của một công dân đối với chính quyền); và cuối cùng, tác giả nhấn mạnh chương trình đào tạo nhân viên hành chính cần chú trọng vào khía cạnh tâm lý học và xã hội học của các nước đang phát triển hơn là các khía cạnh pháp lý và kỹ thuật trong các vấn đề hành chính.

Nghiên cứu hợp tác quốc tế đầu tiên được công bố về khoa học giáo dục Việt Nam

Bài báo “Reflections on Building a Business School in Vietnam: Falling into an Opportunity for Making a Difference” (tạm dịch: Suy ngẫm về việc xây dựng trường kinh doanh tại Việt Nam: Cơ hội tạo dựng sự khác biệt) được đăng vào năm 1997 trên chuyên mục Reflection on Experience của tạp chí Journal of Management Inquiry (tạp chí này vẫn luôn nằm ở Q1 Scopus trong 5 năm gần đây).

Bài viết thể hiện quan điểm dựa trên kinh nghiệm của tác giả Nancy K. Napier (Đại học Bang Boise, Mỹ) và các tác giả Việt Nam: Vũ Diệu Anh, Ngô Minh Hằng, Nguyễn Văn Thắng, Vũ Văn Tuấn (Đại học Kinh tế Quốc dân – NEU) khi tham gia dự án xây dựng và phát triển chương trình quản lý và đào tạo thạc sĩ quản lý kinh doanh (MBA) tại Việt Nam. Đây là dự án dài hạn và được đầu tư bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA). Bài viết tập trung vào giai đoạn một của dự án với nhiệm vụ chính là đào tạo những người đào tạo (train the trainers). Ba mươi hai giảng viên NEU đã theo học bằng MBA (được trao bởi đại học North American) trong vòng hai năm và sau đó họ sẽ xây dựng chương trình này tại Việt Nam.

Tài liệu khoa học giáo dục được trích dẫn nhiều nhất

Nghiên cứu với tiêu đề “Career adaptation: The relation of adaptability to goal orientation, proactive personality, and career optimism” (tạm dịch: Thích ứng nghề nghiệp: Mối quan hệ giữa sự thích ứng và định hướng mục tiêu, tính cách chủ động và sự lạc quan nghề nghiệp) có sự tham gia của tác giả Lữ Nhật Vinh (The Australian National University, Australia). Nghiên cứu được công bố năm 2013 trên tạp chí Journal of Vocational Behavior (tạp chí này luôn nằm ở Q1 Scopus). Đến nay, công trình này đã ghi nhận 139 lượt trích dẫn bởi Scopus; còn trên cơ sở Google Scholar ghi nhận đến 422 lượt trích dẫn.

Nghiên cứu của tác giả Lữ Nhật Vinh đánh giá tính chất trắc lượng (độ hiệu lực cấu trúc và độ tin cậy) của Thang đo Khả năng Thích ứng Nghề nghiệp (CAAS – Career Adapt-Abilities Scale) dựa trên khảo sát từ 555 sinh viên đại học tại Úc.

Kết quả phân tích cho thấy thang đo CAAS là công cụ đo lường đầy tiềm năng cho các nghiên cứu cũng như công tác phát triển và can thiệp nghề nghiệp tại Úc. Khoa học giáo dục nghiên cứu các phân ngành truyền thống như sư phạm, tâm lí học đường hay các phân ngành có tính chất liên ngành như quản lý giáo dục, chính sách giáo dục, công nghệ giáo dục. Còn theo chiều dọc, khoa học giáo dục nghiên cứu các đối tượng như: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học hay giáo dục suốt đời.
Các cuộc cải cách, đổi mới giáo dục thành công trên thế giới luôn có nền tảng quan trọng là các nghiên cứu về khoa học giáo dục. Ví dụ, khi nói đến những phương pháp và triết lý dạy và học tiên tiến nhất đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới hiện nay, không thể không nhắc tới Jean Piaget hay Lev Vigostsky. Việc đổi mới chính sách tài chính giáo dục đại học – bao gồm các chính sách học bổng, tín dụng sinh viên, học phí tại Mỹ, Australia và nhiều quốc gia khác trên thế giới trong khoảng 30 năm qua – có dấu ấn không nhỏ từ các nghiên cứu của Bruce Johnstone hay Bruce Chapman. Hay khi nói về những cuộc đổi mới trong giáo dục đại học trên thế giới những năm gần đây theo xu hướng quốc tế hóa, chúng ta không thể không nhắc đến những tác giả như Philip Altbach hay Simon Marginson.
Ở Việt Nam, Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập vào năm 2009, trên cơ sở nâng cấp Bộ môn Tâm lý giáo dục và Bộ môn Giáo dục đại học và chuyên nghiệp (được thành lập từ năm 2002).

[1] Ho, M. T., Vuong, T. T., Pham, T. H., Luong, A. P., Nguyen, T. N., & Vuong, Q. H. (2020). The internal capability of Vietnam social sciences and humanities: a perspective from the 2008–2019 dataset. Publications, 8(2), 32.

Theo: Báo Khoa học và Phát triển