17/03/2023
Theo thống kê cứ khoảng trong 3 năm đầu khởi nghiệp có đến 92% số công ty ‘start-up’ tuyên bố giải thể bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó hai nguyên nhân chủ yếu là do chưa tìm ra được chiến lược phù hợp với thị trường và thiếu hệ sinh thái làm nền tảng kiến thức, kỹ năng và bệ phóng cho sự phát triển bền vững.
Vậy có cách nào để kháng lại sự “thất bại” ấy và mở ra nhiều hơn một cơ hội cho người trẻ có sân chơi, trải nghiệm thực tiễn và các diễn đàn trao đổi chia sẻ kiến thức cho những người đam mê khởi nghiệp, kinh doanh, tài chính…, tất cả đã được giải đáp trong buổi tập huấn “Trải nghiệm khởi nghiệp kinh doanh thực chiến” sáng ngày 16/3/2023 tại Trường Đại học Thành Đô.
Chương trình được tổ chức bởi khoa Kinh tế – Luật phối hợp với Công ty Bliss Education, có sự tham dự của Ông Nguyễn Văn Khương, Viện Trưởng Viện khoa học giáo dục và môi trường, Ông Nguyễn Cửu Long cùng các đại diện đến từ Công ty Bliss Education. Về phía nhà Trường, PGS.TS Đào Thị Ái Thi – Phó hiệu trưởng phụ trách các khoa chuyên môn cùng các thầy cô khoa Kinh tế-Luật và đặc biệt là sự tham gia đông đảo của sinh viên.
Buổi tập huấn thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên, đặc biệt sinh viên thuộc Khoa Kinh tế – Luật đã tạo nên bầu không khí học tập sôi nổi, góp phần vào thành công lớn của tập huấn.
Trường Đại học Thành Đô gần đây không ngừng tăng thứ hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế và khu vực, đặc biệt được đánh giá cao trong ứng dụng, thực hành và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng trong định hướng chương trình đào tạo và các hoạt động phát triển của sinh viên.
Khởi nghiệp là xu hướng và người trẻ ngày nay được khuyến khích chủ động đưa ra những lựa chọn của mình, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn, thất bại với khả năng tiếp cận vấn đề nhanh cùng sự hỗ trợ từ công nghệ và Internet. Do đó khởi nghiệp đối với người trẻ chính là những cơ hội rất lớn để thử sức, khám phá và phát triển bản thân.
Nằm trong Dự án Thắp sáng tài năng Việt, sự kết hợp giữa công ty Kỳ Lân và Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường, nền tảng khởi nghiệp ‘Kỳ Lân xưng bá’ là sân chơi vừa học hỏi vừa thực nghiệm hướng đến thực hành xây dựng con đường khởi nghiệp, tự lựa chọn các giải pháp và chịu trách nhiệm cho vấn đề của doanh nghiệp thông qua ‘mô hình giả lập’.
Ứng dụng công nghệ thiết lập một mô hình ‘thực tế ảo’ cho phép vận hành doanh nghiệp, phối hợp và giải quyết các vấn đề như thực tiễn và ‘nếm’ vị thất bại, cạn vốn hay đi vay… cùng hàng loạt vấn đề một doanh nghiệp trên thực tế có thể gặp phải. Một doanh nghiệp được thành lập cần phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố từ nguồn cung đến thị trường, từ quản trị tài chính, quản trị nhân lực đến quản lý nhà xưởng, phân phối và tìm kiếm giải pháp…
Tham gia tích cực vào buổi tập huấn, các nhóm sinh viên nhanh chóng lựa chọn cho ‘doanh nghiệp của mình’ một tên gọi, slogan phù hợp và định hướng kinh doanh, chiến lược để vận hành. Rất nhiều cái tên xuất hiện như New way – Đổi mới để thành công, Công ty cổ phần D107 – Khách hàng là niềm vui của chúng tôi, Be Beauty – Đồng hành cùng bạn trên con đường tỏa sáng, Red Dragon – Vì dòng máu Việt, Thanh Do Creative, M&M, Human… tạo nên một bầu không khí sôi động và ‘cạnh tranh’.
Thay vì đầu tư thật, bỏ tiền thật các bạn sinh viên được thử sức kinh doanh, tự tạo dựng và vận hành một doanh nghiệp thông qua mô hình giả lập – một môi trường có đầy đủ các yếu tố từ nguồn cung, quy trình sản xuất đến tạo ra sản phẩm và phân phối ra thị trường. Qua đó, sinh viên được hiểu sâu về khởi nghiệp, nắm được quy trình thành lập một công ty, một doanh nghiệp, cách thức quản lý vận hành và xử lý tình huống trong quản trị và phối hợp các nhân sự và thậm chí là cảm nhận về sự “thất bại”, “phá sản”.
Xu hướng kinh doanh của giới trẻ hiện nay ngày càng phát triển một cách nhanh chóng, đây cũng là mảng khởi nghiệp được nhiều người lựa chọn nhất. Bởi khởi nghiệp kinh doanh hoàn toàn có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, không cần số vốn quá lớn, không nhất thiết cần phải thành lập công ty. Đặc biệt, trên nền tảng công nghiệp 4.0 ngày nay, nhiều bạn trẻ mặc dù xuất phát điểm từ con số 0 nhưng với bản lĩnh tự lập, tự chủ và tự học, đã làm nên những thành công ngoài sức tưởng tượng.
Sau thời gian trải nghiệm trên phần mềm, các nhóm sinh viên nhà Thành Đô phải tìm kiếm và đưa ra những giải pháp thực tế cho những bài toán, những thách thức đặt ra khi vận hành một doanh nghiệp thực tiễn. Tiếp cận với ứng dụng công nghệ hỗ trợ học tập nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ giảng viên và các bạn sinh viên, nhiều chia sẻ thẳng thắn, nhiều ý tưởng hay và các quyết định ngay lập tức phải được đưa ra cùng sự bất ngờ và phối hợp ăn ý của các thành viên trong nhóm… tất cả tạo nên bầu không khí học tập sôi nổi, thú vị và hiệu quả.
Những buổi học tập ứng dụng như này thực sự cần thiết cho các bạn sinh viên, đó cũng chính là hướng đi mà trường Đại học Thành Đô đang và sẽ không ngừng nâng cao, phát triển, mở rộng hơn nữa các mối quan hệ hợp tác và tạo dựng cho sinh viên những cơ hội học tập, trải nghiệm, gắn lý thuyết với thực hành đó là cơ sở quan trọng cho định hướng học tập và xây dựng các mục tiêu trong con đường sự nghiệp cho tương lai.
Tại buổi tập huấn các bạn sinh viên cũng đã có những chia sẻ thể hiện mong muốn có thêm nhiều buổi học tập thú vị và hữu ích như này và có thể được tạo dựng sân chơi để cạnh tranh, mang ý nghĩa thiết thực và ứng dụng được kiến thức vào giải quyết các tình huống thực tiễn.
Khơi dậy niềm đam mê và khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, lựa chọn cho mình một loại hình một cách thức để vận hành “con đường sự nghiệp của bản thân” từ sớm được nhà Trường chú trọng trong định hướng chương trình đào tạo. ‘Dám nghĩ – Dám làm’, tinh thần chủ động và chỉ khi chủ động, thay đổi thái độ sống của bản thân thì mới có thể thay đổi đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội.